Đầu tư 27/05/2014 09:28

Hoạt động dầu khí của PetroVietnam nằm hoàn toàn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), khẳng định mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông gần đây, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), khẳng định mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

 

Ông Đỗ Văn Hậu giới thiệu về hoạt động khai thác dầu khí của PetroVietnam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. (ảnh: Phương Linh)

 

PetroVietnam đã tiến hành thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam từ cuối thập niên 1950

 

Ông Đỗ Văn Hậu cho biết, PetroVietnam đã được Chính phủ Việt Nam giao quản lý, triển khai các hoạt động dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. “Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí trên toàn vùng lãnh thổ Việt Nam, ở phía Bắc từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Ở miền Nam, chính quyền miền Nam Việt Nam khi đó đã triển khai hoạt động khai thác dầu khí trên thềm lục địa từ cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước”, ông Hậu cho hay.

 

Cũng theo Tổng giám đốc PetroVietnam, ngay từ năm 1969-1970, chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng 12.000km tuyến địa chấn 2D tại khu vực thềm lục địa phía Nam (nay gọi là khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai-Thổ Chu và Tư Chính-Vũng Mây) do Công ty Ray Geophysical Mandrel của Mỹ thực hiện. Trong hai năm 1973-1974, chính quyền miền Nam Việt Nam đã hợp tác với các công ty WesternGeophysical và Geophysical Services Inc (Mỹ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D. Các dự án khảo sát địa chấn này khẳng định, Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực địa, thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam từ lâu.

 

Kể từ sau khi thành lập Tổng cục Dầu khí (nay là PetroVietnam) năm 1975, hoạt động dầu khí được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính-Vũng Mây. “Từ năm 1996, sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn UNCLOS 1982, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, các hoạt động dầu khí của PetroVietnam và các nhà thầu có liên quan chỉ tiến hành trong khuôn khổ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong giới hạn 200 hải lý. Tới nay, PetroVietnam đã và đang hợp tác với nhiều công ty dầu khí nước ngoài. PetroVietnam đã ký 99 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài, trong đó 60 hợp đồng đang có hiệu lực. Tổng quan, trên toàn thềm lục địa Việt Nam, chúng tôi đã khảo sát hơn 500.000km tuyến khảo sát địa chấn 2D, hơn 50.000km2 tuyến địa chấn 3D và khoan 900 giếng khoan dầu khí, phát hiện nhiều mỏ dầu khí. Hiện có hơn 30 mỏ dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam đang được khai thác. Tất cả các hoạt động dầu khí và các nhà thầu, đối tác khai thác dầu khí của Việt Nam đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông Hậu cho hay.

 

Sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động dầu khí bình thường

 

Cũng theo Tổng giám đốc PetroVietnam, tại vị trí giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép, tất cả các hoạt động dầu khí đều được PetroVietnam tiến hành với lô 144, 145 và ngay phía dưới lô 143 mà tập đoàn này vừa khảo sát địa chấn xong. “Tại lô 117, 118, chúng tôi đang hợp tác với Công ty Exxon Mobil của Mỹ và đã phát hiện dầu khí. Trong một vài năm tới, chúng tôi sẽ tiến hành khai thác”, ông Hậu cho biết thêm.

 

Bản đồ hoạt động dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (mạng lưới tuyến địa chấn khảo sát trước năm 1975). (ảnh: Phương Linh)

 

 

Ông Đỗ Văn Hậu chia sẻ, toàn bộ hoạt động dầu khí tại khu vực phía Đông Bắc, Tây Bắc của quần đảo Hoàng Sa cũng đang được tiến hành. Tại khu vực biển miền Trung của Việt Nam, Tổng công ty dầu khí Hải Dương (CNOOC) của Trung Quốc đã gọi thầu trái phép 9 lô. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động dầu khí bình thường tại khu vực này. Và đến nay không có công ty dầu khí quốc tế nào, thậm chí cũng không có công ty dầu khí Trung Quốc nào ký với CNOOC hoạt động tại khu vực này. Tại khu vực phía Nam, toàn bộ hoạt động của PetroVietnam vẫn đang diễn ra bình thường. PetroVietnam hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí quốc tế, trong đó có các công ty của Mỹ, Nga, Ca-na-đa và các công ty dầu khí quốc tế khác.

 

"Các hoạt động dầu khí của Việt Nam và các đối tác nước ngoài triển khai hết sức bình thường, không có bất kỳ sự cản trở nào và luận điệu Trung Quốc nói 57 lô của Việt Nam khai thác nằm trong vùng tranh chấp là hoàn toàn sai trái. Do đó, PetroVietnam sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường ở các khu vực này cũng như ở các khu vực khác trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông Hậu khẳng định.

 

 

Theo Linh Oanh

QĐND

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *