Đầu tư 28/07/2014 06:00

FDI 7 tháng đầu năm: Giải mã “Hiện tượng Hàn Quốc”

FICA - Hàn Quốc đang trở thành “hiện tượng” của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn của Tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM

Vượt qua Singapore một cách ngoạn mục, đứng sít sao ngay sau các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam về tổng vốn lũy kế tính đến hết 7 tháng của năm 2014 với 32,8 tỷ USD. Hàn Quốc đang trở thành “hiện tượng” của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam về cả số dự án lẫn tổng vốn khi chỉ trong thời gian ngắn (3 năm) các nhà đầu tư xứ Kim chi đã vượt qua các nhà đầu tư đến từ Singapore và đài Đài Loan để cạnh tranh quyết liệt với ngôi đầu của Nhật Bản trong sân chơi FDI.

 

Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung tại Thái Nguyên là dự án có vốn lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam

 

Hàn Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản?

 

Theo Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tổng vốn FDI lũy kế của Nhật Bản tại Việt Nam hiện vẫn là lớn nhất với 36,1 tỷ USD, trong khi Hàn Quốc chỉ kém 4 tỷ nữa là bằng với nhà đầu tư số 1 này. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, theo quý và năm các nhà đầu tư Hàn Quốc luôn vượt mặt các nhà đầu tư Nhật. Trong 7 tháng đầu năm 2014, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng lớn nhất trong các đối tác FDI tại Việt Nam lên đến 3,1 tỷ USD (chiếm 32,6% trong tổng 46 quốc gia vùng lãnh thổ).

 

Điểm nhấn quan trọng góp phần thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc chính là sự tăng tốc ổn định và có tham vọng của các ông chủ tập đoàn Hàn Quốc khi mới đây Samsung đã hiện thực hóa ý định đưa Việt Nam trở thành đại bản doanh sản xuất và gia công sản phẩm điện tử và linh kiện của mình.

 

Chỉ tính riêng trong tháng 6 năm 2014, Hàn Quốc vượt Hồng Kông và Nhật Bản trở thành đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với số vốn đăng ký và cấp mới là 1,55 tỷ USD (chiếm 22,6%) tổng số vốn đăng ký và cấp mới 6,85 tỷ USD. Đồng thời, cũng là đối tác có số dự án cấp mới và tăng vốn dẫn đầu với 216 dự án cấp mới và 51 dự án tăng vốn đầu tư. Để đưa Hàn Quốc lên vị trí thứ hai về đối tác đầu tư chỉ trong thời gian, công đầu phải kể đến sự mạnh dạn đầu tư và chiến lược của các đại gia nền công nghiệp, xây dựng Hàn Quốc, đi đầu là Samsung, Lotte, LG, Keangnam và Charm Vit…

 

Hiện trong cán cân thương mại đầu tư, Việt Nam thâm hụt lớn với Hàn Quốc và con số này càng tăng khi có càng nhiều các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Hiện, FTA Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết, các thỏa thuận về thương mại trong các ngành hẹp giữa hai nước đã được Chính phủ và bộ ngành hai bên hiện thực hóa bằng nhiều cam kết như: mở cửa các ngành điện, đầu tư chế biến thủy sản, nông sản. Hàn Quốc cũng là đối tác lớn của Việt Nam tại Asean và đều tham gia vào vòng đàm phán TPP. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới đây, dưới sự làm ăn khấm khá của các TNCs hùng mạnh của Hàn Quốc tại Việt Nam, “chắc chắn vị trí số 1 về đối tác FDI tại Việt Nam sẽ là Hàn Quốc bởi hiện tổng số dự án lũy kế của Hàn Quốc còn hiệu lực đến tháng 7/2014 là lớn nhất với 3900 dự án còn hiệu lực”, GS Nguyễn Mại khẳng định.

 

6,5 tỷ USD của Samsung và sự “thách thức” của Lotte

 

Với Tập đoàn Samsung, nguồn vốn khổng lồ phải kể đến khi đại gia công nghệ xây dựng hai Nhà máy lớn nhất nhì thế giới tại Việt Nam trong 3 năm liên tiếp 2010, 2013 và đầu năm 2014. Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại SEV tại Bắc Ninh, số vốn 670 triệu USD sau giai đoạn I và II đến năm 2014 dự án có tổng vốn 2,5 tỷ USD; Dự án Khu tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) với số vốn 2 tỷ USD (2013). Đến đầu tháng 7/2014, Samsung quyết định táo bạo hơn trong “cuộc chơi tỷ đô” của mình tại Việt Nam khi Samsung Display (100% vốn của Tập đoàn Samsung) quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào KCN Yên Phong (Bắc Ninh) nhằm sản xuất màn hình độ phân giải cao cung cấp cho hai nhà máy tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.

 

Đặc biệt, điểm nhấn đầu tháng 6 của đại gia Samsung chính là quyết định đầu tư 1 tỷ USD cho Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Khu Công nghệ cao TP. HCM. Với hai dự án được cấp mới hoàn toàn năm 2014 này đã đưa tổng số vốn mà Samsung đầu tư tại Việt Nam từ năm 2012 cho đến nay lên đến con số 6,5 tỷ USD, số vốn cao nhất mà hãng công nghệ đầu tư vào Việt Nam và cũng đưa Việt Nam trở thành 1 trong số bản doanh của đại gia công nghệ hàng đầu thế giới.

 

Không dừng lại ở đó, cuối tháng 4/2014, trong cuộc gặp gỡ với Chính phủ, nhóm dự án điện của tập đoàn này cũng mong muốn đổ vốn sang các lĩnh vực điện mà điển hình là Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3, rồi rất nhiều dự án sân bay, dầu khí đã và đang được Tập đoàn này tính toán đổ vốn vào Việt Nam.

 

Ngoài Samsung, gần đây đại gia khác cũng đang làm nóng thị trường đầu tư Việt Nam là Tập đoàn Lotte. Với lĩnh vực khách sạn, lữ hành và thức ăn nhanh (fast food). Đại gia này đang làm mưa làm gió tại thị trường khi liên tiếp đầu tư 1 khách sạn trị giá 4,4 tỷ USD tại Hà Nội. Trong tháng 4/2014, Lotte cùng liên doanh xây dựng khu phức hợp thông minh tại khu đô thị mới Thủ thiêm (TP.HCM) với tổng vốn 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, lĩnh vực thế mạnh của Lotte là bán lẻ và đồ ăn nhanh (fastfood) cũng tham gia sân chơi tại Việt Nam khi hết tháng 4/2014 Lotte đã mở liên tiếp 7 cửa hàng fastfood tại Hà Nội và TP. HCM, tuyên “bố xanh rờn” năm 2020 sẽ mở 60 siêu thị tại Việt Nam và thách thức Big C, Metro khi tuyên bố trở thành đại gia bán lẻ số 1 tại Việt Nam.

 

Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: “Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam sẽ rất có lợi bởi các nước này có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam có cơ hội là nước trực tiếp sản xuất sản phẩm của họ hoặc chí ít là cũng có thể gia công (tuyến đầu - gia công trực tiếp), đây là lợi thế rất lớn để chúng ta tiếp xúc với công nghệ của họ. Tuy nhiên, có khai thác được lợi thế này hay không thì chúng ta phải buộc các TNCs cam kết chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN trong nước và thúc đẩy mạnh khu vực này nhằm tham gia vào chuỗi của họ. Nên nhớ, chúng ta đã và đang có cơ hội và không còn thời gian cho sự chần chừ và ngẫm nghĩ”.

 

Nhật Minh

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *