Đầu tư 19/11/2013 08:01

Đầu tư công sai, ai chịu trách nhiệm?

FICA - Đại biểu Quốc hội cho rằng, tham nhũng ở đầu tư công rất nhiều. Nếu không kiểm soát được điều này là có tội với người dân, với cử tri.

Tiền ngân sách bị đầu tư tràn lan, lãng phí.
Tiền ngân sách bị đầu tư tràn lan, lãng phí.

Chiều 18/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật đầu tư công. Đa số đại biểu đồng tình với việc cần có Luật đầu tư công, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Đầu tư công là hoàn thiện chính sách đầu tư công phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công nói riêng.

Góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư công, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) cho rằng, cần điều chỉnh toàn diện Luật đầu tư công, từ nguồn vốn sử dụng ngân sách Nhà nước đến vốn vay của Nhà nước. Bà Dung gọi chung các khoản vốn này là ngân sách quốc gia.

Nói về nguồn lực Nhà nước bị sử dụng kém hiệu quả, đại biểu Võ Thị Dung cho hay: Thời gian qua, tham nhũng ở đầu tư công rất nhiều. Nếu không kiểm soát được điều này là có tội với người dân, với cử tri. Do đó, nguyên tắc đầu tư công phải nêu mạnh mẽ việc sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch tài chính quốc gia và Luật cần có một chương riêng để qui định cụ thể về giám sát cộng đồng, quyền hạn của cộng đồng.

Ủng hộ phải có Luật đầu tư công, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch cho rằng, Quốc hội còn nợ Luật về quản lý kinh doanh vốn Nhà nước. Bởi theo lập luận của đại biểu, khối tiền của Nhà nước đầu tư còn 2 mảng, là mảng phát triển kinh tế - xã hội và mảng đầu tư vào làm kinh tế tại các tập đoàn, tổng công ty thì hiện chưa có luật.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, Luật đầu tư công lần này phải đánh giá lại việc điều chỉnh đầu tư của Nhà nươc hay nguồn vốn của Nhà nước, vì hai khái niệm này khác nhau. Quan điểm của đại biểu là phải làm rõ, quản lý tất cả các nguồn vốn Nhà nước, ai sử dụng nguồn vốn đầu tư này thì phải tuân theo luật này.

“Quan điểm của tôi là luật này quản lý toàn bộ dòng vốn của Nhà nước hoặc nguồn ngân sách Nhà nước không phân biệt đó là ai, nếu sử dụng là bị chi phối. Hiện tại, chúng ta không kiểm soát được đầu tư. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhưng lại không nhìn thấy cụ thể một khoản nào. Chúng ta nói là quyết định đầu tư sai, vậy ai là người chịu trách nhiệm? Ai quyết định cuối cùng là người chịu trách nhiệm”, đại biểu Lịch thẳng thắn nói.

Theo đại biểu Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội), trong Luật đầu tư công, cái khó là xác định chủ đầu tư. Đây là đối tượng không có vốn mà chỉ là cấp có thẩm quyền, tham mưu thế nào ta làm thế đó. Điều này dẫn tới hậu quả các dự án vượt trần dự toán rất lớn và khi lãng phí thì chẳng ai bị gì cả. Và đây cũng là một yếu tố tạo điều kiện cho tham nhũng rất lớn. Do đó, đại biểu Khiết đề nghị dự thảo luật phải xác định cho rõ chủ đầu tư các dự án công là ai.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật đầu tư công của Ủy ban Kinh tế yêu cầu cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tại Điều 10 quy định 14 hành vi bị cấm từ khâu phê duyệt chủ trương đến khâu theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư đối với từng chương trình, dự án. Ủy ban Kinh tế nhất trí việc quy định cụ thể như dự thảo Luật sẽ góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn các hành vi gây tổn hại đến nguồn lực nhà nước trong quá trình triển khai các chương trình, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Về kế hoạch đầu tư trung hạn, đây là một trong những điểm mới của dự án Luật, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định này vừa nâng cao tính pháp lý của kế hoạch đầu tư, vừa minh bạch hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch trung hạn và hàng năm cần căn cứ vào khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể hơn nội dung này để tăng tính ràng buộc chặt chẽ, bảo đảm kế hoạch đầu tư trung hạn phải là điều kiện pháp lý quan trọng trong việc lập kế hoạch đầu tư hàng năm cũng như phê duyệt chương trình, dự án đầu tư cụ thể.

Ngoài ra, theo quy định, Quốc hội chỉ quyết định dự toán ngân sách hàng năm; do đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa kế hoạch ngân sách trung hạn với kế hoạch đầu tư trung hạn. Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, xem xét quan hệ giữa kế hoạch vốn đầu tư hàng năm và kế hoạch vốn đầu tư 5 năm; quy định việc phân bổ vốn hàng năm cho dự án có thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm.

Nguyễn Hiền
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *