Đầu tư 02/09/2014 17:11

Cần tự chủ khi thu hút dòng vốn FDI

26 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đã đem lại hiệu quả kinh tế to lớn, mang tới cho VN nguồn lực mới, tạo sự đột phá trong tăng trưởng...

Tuy nhiên, chúng ta không thu hút FDI bằng mọi giá mà cần phải tự chủ và có sự chọn lựa  để tránh bị phụ thuộc vào khu vực DN này.

Động lực phát triển

Thời gian vừa qua, VN chú ý nhiều đến mảng DN FDI bởi đây là khu vực DN có những vai trò riêng. Thực tế cho thấy, có thời điểm VN đang thiếu hụt nguồn lực, về vốn, về kinh nghiệm, KHCN. Cho nên, thu hút FDI không những mang cho VN nguồn lực mới mà còn mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn.

Cùng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư, FDI được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ từ các nước có nền công nghệ phát triển vào VN, góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của các DNVN nói riêng. Tại báo cáo đánh giá 20 năm thu hút FDI, các chuyên gia chỉ ra rằng việc chuyển giao công nghệ chỉ khoảng 5%. Trong thời gian qua, việc chuyển giao công nghệ trực tiếp chưa được nhiều như mong muốn. Trong số 15.000 DN FDI vào VN thì hầu hết 100% vốn nước ngoài nên nhu cầu và điều kiện chuyển giao trực tiếp công nghệ cho một đối tác liên doanh là ít...Tuy nhiên, chúng ta không nên bi quan chuyện này vì các DN FDI vào VN có tác động gián tiếp một cách mạnh mẽ đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc lại một số ngành, nghề ở VN theo hướng tăng chất lượng cạnh tranh.

Chính vì thế, việc đổi mới công nghệ đã thúc đẩy các DN trong nước phải cạnh tranh và thúc đẩy chuyển giao và nâng cao chất lượng công nghệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không ít lần đưa ra cảnh báo về việc các địa phương quá dễ dãi trong việcthu hút đầu tư, dẫn đến những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế và cả môi trường sống. Những vụ việc của Vedan gây ô nhiễm môi trường, các vụ chuyển giá, trốn thuế của các tập đoàn, DN FDI lớn … đã được báo chí, dư luận lên án. Như vậy, hậu quả của sự thu hút đầu tư bằng mọi giá không chỉ tác động lớn về mặt kinh tế khi gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn gây ra nhiều tác động xấu về mặt xã hội…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020. Danh mục này bao gồm 127 dự án, được chia thành 5 nhóm: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật; kết cấu hạ tầng xã hội; nông nghiệp; bảo quản chế biến; các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ. Trong đó, nhóm dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm 51 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển); hạ tầng năng lượng; hạ tầng đô thị (gồm giao thông, cấp nước, xử lý chất thải rắn đô thị) và hạ tầng khu công nghiệp được kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến danh mục. Bên cạnh đó, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc danh mục, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế; kinh phí của các hoạt động trên được bố trí từ chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm.

Với động thái thu hút đầu tư có chọn lọc, đúng trọng điểm này của Chính phủ, chắc chắn tới đây, VN sẽ chấm dứt được thực trạng các địa phương thu hút đầu tư dàn trải gây ra những tổn thất cho nền kinh tế - xã hội. Trước mắt, để khắc phục những hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI thời gian qua, nhiều địa phương đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược thu hút FDI.

Nhiều địa phương đã xây dựng danh mục các lĩnh vực hạn chế, không khuyến khích đầu tư; hạn chế hoặc không cấp chứng nhận đầu tư các dự án vào khu vực phi sản xuất, các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên; không cấp chứng nhận đầu tư các dự án có quy mô vốn nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Đồng Nai là một trong những địa phương tiên phong trong việc nâng cao chất lượng vốn FDI để thực hiện mục tiêu "xanh hóa" sản xuất. Với tầm nhìn chiến lược dài hơi về thu hút FDI đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ KH&ĐT đã xác định được rõ chiến lược thu hút FDI. Bởi đã qua rồi cái thời thu hút FDI bằng mọi giá, hoặc coi yếu tố tài nguyên hay nhân công giá rẻ là điểm hấp dẫn.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đang phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hải quan, nộp thuế. Đồng thời hướng cho nhà đầu tư liên doanh với đối tác VN để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp thu công nghệ và cần tìm đúng các đối tác thật sự có công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với sản phẩm công nghệ cao, bảo quản trong nông sản….

Để hướng dòng FDI tạo sức lan tỏa trong nền kinh tế hiệu quả hơn, chúng ta cần phải tiếp tục chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn FDI tại VN. Đặc biệt, phải tăng khả năng hấp thụ FDI nhờ cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng, hệ thống chính sách phù hợp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, qua đó nâng cao chất lượng lao động

Ông Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT/DDDN

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *