Tài chính ngân hàng 20/09/2022 14:16

Vì sao gen Z dễ rơi vào “bẫy tín dụng”?

Khoản nợ thẻ tín dụng trung bình năm 2020-2021 là khoảng 117 triệu đồng mà trong đó khoản nợ của gen Z chiếm hơn 47 triệu đồng. Không ít bạn trẻ, đặc biệt gen Z, đang bị sa đà vào "bẫy tín dụng".

Quân (22 tuổi) hiện là chuyên viên bảo hiểm nhân thọ tại Hà Nội. Anh cho biết, mỗi tháng, anh kiếm được trung bình 18 đến 20 triệu đồng. Nhưng nếu chi tiêu qua thẻ tín dụng, anh có thể tiêu dùng 3 lần số đó. Tháng trước, anh đặt mua một món đồ trưng bày từ nước ngoài. Nhưng chỉ vì dựa vào hạn mức trong thẻ, Quân đã thoải mái chi tiêu mà quên đi những khoản phải tiết kiệm hay chi trả trong tháng. 

Còn Hoàng Lam (28 tuổi), nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội, thì có thói quen tự đặt hàng thời trang từ nước ngoài, cụ thể là Mỹ. Các thương hiệu yêu thích của Lam có Zara, H&M, Nike và một số trang bán mỹ phẩm của Mỹ.  Phương thức mua hàng của Lam là trả trực tiếp cho hãng bằng thẻ tín dụng, sau đó đợi hàng được ship về địa chỉ của một người quen bên Mỹ rồi họ gửi về Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát chi tiêu của Lam không tốt, cô thường xuyên chi tiêu hơn mức mà bản thân có thể chi trả. 

Trên thực tế, không chỉ Quân hay Lam, không ít bạn trẻ đang bị sa vào “bẫy tín dụng” mà các lý do được liệt kê có thể là liên quan tới môi trường sống, hoàn cảnh sống, các mối quan hệ cá nhân… hoặc đơn giản là vô tình tiêu một khoản tiền lớn cho món đồ mà mình yêu thích rồi vô tình quên đã tiêu tiền, và vướng vào câu chuyện phải xử lý liên quan tới thẻ tín dụng.

Người trẻ hiện chuộng thẻ tín dụng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nhiều năm trở lại đây, thẻ tín dụng đã, đang trở thành vật bất ly thân của giới trẻ. Thay vì các thế hệ trước chủ yếu chi tiêu bằng thu nhập kiếm được, tiền tiết kiệm, thì thế hệ trẻ, đặc biệt gen Z, lại sử dụng thẻ tín dụng tương đối nhiều với xu hướng “mua trước, trả sau” điều khiến các khoản nợ gia tăng. 

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, số lượng thẻ tiêu tín dụng nội địa đang lưu hành đến ngày 31/12/2021 đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với năm 2019-2020).  Dễ  thấy rằng thẻ tín dụng phát triển một tốc độ ngày càng cao, một người có thể có cùng lúc nhiều thẻ tín dụng của nhiều tổ chức phát hành thẻ khác nhau bên cạnh một số ngân hàng thượng mại trong nước có điều kiện mở thẻ tín dụng khá lỏng lẻo. Điều này đã dẫn đến tình trạng hạn mức tín dụng của một người có thể cao gấp nhiều lần thu nhập, việc rút tiền rất dễ dàng, phí thấp, rủi ro vỡ nợ cao.

Còn theo thống kê của Banknet, 41% người trẻ cảm thấy không thoải mái khi nói về các khoản nợ của chính mình. 

Vì sao gen Z “sập bẫy” tín dụng?

Chúng ta có thể liệt kê ra hàng loạt các lý do nhưng quên mất rằng chính bản thân mỗi Gen Z mới chính là lý do lớn nhất. Mỗi gen Z đang đối mặt với rất nhiều các vấn đề tâm lý khác nhau, ở đây khi nói đến “tín dụng” chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới các vấn đề tâm lý của gen Z.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nợ nần của sinh viên, nhà ở không đủ khả năng chi trả, các đợt sa thải, đại dịch kéo dài và suy thoái kinh tế đang rình rập, nhiều lao động trẻ đã đạt đến ngưỡng phá sản. 

Dữ liệu mới từ dự án triệu sức khỏe Tâm thần của Sapien Labs, đã khảo sát 48.000 thanh niên từ 18 đến 24 tuổi trên khắp 34 quốc gia, cho thấy rằng các cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần giữa các thế hệ trẻ đã gia tăng và trở nên tồi tệ hơn trong suốt đại dịch. Dữ liệu được công bố trong Báo cáo nhanh vào tháng 5/2022 của Sapien Labs mang tên "Bản thân xã hội suy yếu trong các thế hệ trẻ hơn” cho thấy gần một nửa thanh niên bị suy giảm sức khỏe tâm thần trong năm thứ hai của đại dịch và khả năng liên hệ và tương tác với những người khác đã bị suy giảm nghiêm trọng ở hơn một nửa thanh niên trên toàn thế giới.

Việc suy giảm sức khỏe tâm thần của gen Z đã khiến cho các bạn trẻ giảm tương tác với người khác thay vào đó sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. Chính điều đó xã hội đã xuất hiện hội chứng tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out). FOMO là tình trạng có thể khiến bạn cập nhật mạng xã hội liên tục hoặc mua sắm theo xu hướng, khi mắc phải hội chứng này sẽ khiến cá nhân mãi chạy theo số đông và “đua đòi” mua sắm không kiểm soát.

Đó chính là một phần lý do vì sao thẻ tín dụng không xấu nhưng lại đem lại vô vàn phiền toái cho người không biết sử dụng nó. Rắc rối đầu tiên phải kể đến chính là hiện tượng đáo hạn thẻ tín dụng ngày càng gia tăng,  nhưng rất ít bạn trẻ không biết được hậu quả của việc đáo hạn thẻ sẽ dẫn tới nợ không thể trả. Khi rơi vào vòng xoáy nợ nần thì sẽ rất dễ trở thành phương tiện cho các đối tượng xấu lợi dụng. Có quá nhiều cạm bẫy cho giới trẻ nhưng điều quan trọng là bản thân phải có đủ hiểu biết và có một tâm lý vững vàng để đối diện.

Từ những con số cụ thể từ trong đến ngoài nước hay từ chính trải nghiệm thực tế của khách mời khiến cho bản thân mỗi chúng ta phải tự đặt cho mình câu hỏi lớn rằng: “Không biết từ bao giờ việc vay tiền để chi trả các chi phí cá nhân lại trở nên phổ biến tới vậy?” Những gánh nặng nợ nần ngày càng tăng cao, “Tín dụng” là tiện ích sinh ra để giúp đỡ về mặt tài chính và không có gì xấu nhưng cách để bản thân mỗi người sử dụng nó lại là một câu hỏi lớn chưa từng có lời giải đáp chính xác.

Tùng Nguyễn - Khánh Linh 

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *