Tài chính ngân hàng 04/10/2022 16:05

VDSC: Ngân hàng mẹ MB ước đạt 14.500 tỷ đồng sau 8 tháng, nợ xấu cho vay tiêu dùng tại Mcredit là yếu tố cần lưu ý

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có báo cáo về MB, nêu một số vấn đề: Lợi nhuận tăng so với 2021, tín dụng tăng tốt song CASA suy giảm, khả năng thu nhập phí trong các tháng cuối năm có thể tiếp tục suy yếu, nợ xấu tăng, nợ xấu ở mảng cho vay tiêu dùng Mcredit là yếu tố cần lưu ý...

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây có báo cáo cập nhật 8 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB).

Lợi nhuận trước thuế 8 tháng của của Ngân hàng mẹ MB đạt 14.500 tỷ đồng so với gần 10.000 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Trong đó, tổng lợi nhuận 8 tháng của các công ty con đạt gần 2.000 tỷ đồng cùng 800 tỷ đồng từ MCredit. Tăng trưởng tín dụng của MB cũng ghi nhận đạt 17% trên tổng hạn mức được cấp là 18,2%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng cao và NIM mở rộng củng cố động lực tăng trưởng thu nhập. Chất lượng tài sản và chi phí rủi ro đang được kiểm soát tốt nhưng áp lực đang gia tăng.

CASA suy giảm, NIM có thể bị ảnh hưởng 

Về tổng thể, VDSC lạc quan với triển vọng tăng trưởng tổng thu nhập của MB nhờ hạn mức tăng trưởng tín dụng thuộc hàng cao nhất trong ngành và khả năng mở rộng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM). Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đạt 17% trên tổng hạn mức được cấp 18,2%, trong đó 50% hạn mức mới (3,2%) được phân bổ cho phân khúc khách hàng cá nhân phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh và mua nhà.

Theo công ty chứng khoán này, việc nới trần lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 vừa qua đã làm giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MB từ 45% cuối quý II về 43% cuối tháng 8. Với dự báo lãi suất huy động trong các tháng cuối năm sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, ban lãnh đạo nhận định sự suy giảm tỷ lệ CASA sẽ rõ ràng hơn trong các tháng tiếp theo khiến NIM trong 6 tháng đến một năm tới có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang, do kỳ tái định lãi suất trung bình 3 đến 6 tháng tùy khoản vay.

Về dài hạn, NIM sẽ tiếp tục tăng nhờ tỷ lệ cho vay/huy động còn thấp, tỷ trọng cho vay bán lẻ tăng và cho vay mua nhà tăng. MB đặt mục tiêu tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ từ 34% hiện nay lên 50-55% trong các năm tới.

VDSC cũng đồng quan điểm với ngân hàng về khả năng thu nhập phí trong các tháng cuối năm có thể tiếp tục suy yếu.

VDSC có báo cáo về kết quả kinh doanh của MB 8 tháng đầu năm với một số vấn đề lưu ý (Ảnh minh họa: TTXVN).

Dự báo về tăng trưởng 

Sau khi nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ ít nhiều làm giảm doanh số tư vấn phát hành và phân phối TPDN thông qua các quy định theo hướng thắt chặt yêu cầu công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành, nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành, cơ chế giao dịch tập trung các TPDN phát hành riêng lẻ. Theo đó, tăng trưởng sẽ trở lại trong năm 2023 trên nền so sánh thấp của năm 2022 nhưng không tăng quá cao như giai đoạn 2019-2021 khi khung pháp lý chưa chặt chẽ như hiện nay.

Trong mảng bảo hiểm, vốn đóng góp đến 70-80% thu nhập phí hàng năm, bị giới hạn tăng trưởng theo hạn mức tín dụng do hợp đồng bảo hiểm thường được bán kèm hợp đồng vay. Ngoài ra, thị trường chứng khoán giảm điểm cũng ảnh hưởng tâm lý khách hàng mua bảo hiểm liên kết đầu tư, sản phẩm đóng góp chính vào doanh số thị trường bảo hiểm nhân thọ và tăng trưởng cao nhất trong hai năm TTCK đi lên mạnh mẽ vừa qua. Biên lợi nhuận thu nhập từ bảo hiểm cũng giảm do tăng chi phí bán hàng.

 

Nợ xấu và chi phí tín dụng chịu áp lực tăng

Tỷ lệ nợ xấu tăng trong nửa đầu năm do tốc độ phục hồi không đồng đều giữa các phân khúc và có thể do độ trễ ở mảng tài chính tiêu dùng. 

VDSC cho biết, ban lãnh đạo MB dự kiến tỷ lệ nợ xấu toàn hàng của ngân hàng mẹ trong 6 tháng tới là xấp xỉ 1% (quý II là 0,95%). Nợ cơ cấu giảm 23% từ 0,8% tổng dư nợ cuối quý II về 0,6% tổng dư nợ cuối tháng 8, hay giảm ròng 772 tỷ đồng, theo ước tính của nhóm phân tích. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối tháng 8 gần 200%, tiếp tục xu hướng đi xuống của hai quý đầu năm và dường như phản ánh kỳ vọng của MB về khả năng phục hồi của nợ cơ cấu.

Nợ xấu ở mảng cho vay tiêu dùng Mcredit là yếu tố cần lưu ý. Đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì tương đương mức thông thường là 6,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 35% (cuối quý II tăng 29% so với cùng kỳ). Xem xét tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng (nợ xấu tăng ròng trong quý trước khi xóa nợ) của Mcredit đã tăng liên tục trong hai quý gần nhất, định hướng giữ ổn định tỷ lệ nợ xấu của ban lãnh đạo cùng với lãi suất và lạm phát đều có xu hướng đi lên tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của nhóm khách hàng thu nhập thấp, VDSC cho rằng biên chi phí tín dụng của Mcredit sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tác động lên chi phí tín dụng hợp nhất là không đáng kể do quy mô nhỏ của Mcredit (6% dư nợ hợp nhất).

Tỷ trọng tín dụng cao trong các ngành liên quan đến bất động sản

Bên cạnh cho vay xây dựng và bất động sản chiếm 5,6% và 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 11% tổng tín dụng với 33% là trái phiếu bất động sản và 43% là trái phiếu năng lượng tái tạo. 53% trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong 3 năm tới trong khi con số này ở mảng năng lượng tái tạo chỉ là 2,3%, cho thấy áp lực đáng kể ở mảng bất động sản.

Mặc dù MB lạc quan về dòng tiền trả nợ khi tỷ lệ bán hàng của các dự án của các nhà phát hành trái phiếu trong danh mục của mình hiện đạt trên 80%, VDSC nhận thấy rủi ro về tiêu thụ của nhóm bất động sản (gián tiếp là xây dựng) sẽ tăng lên khi xét đến tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo (LTV) của phân khúc cho vay bất động sản khá cao tầm 70% và tỷ lệ nợ/thu nhập của khách hàng cá nhân vay mua nhà lên đến 70%, trong bối cảnh thu nhập của người mua nhà ít nhiều sẽ chịu tác động tiêu cực của bối cảnh vĩ mô.

Khánh Linh 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *