Tài chính ngân hàng 06/09/2019 09:23

Thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trở lại

Thanh khoản hệ thống có biểu hiện căng thẳng trở lại càng khiến triển vọng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nói chung trở nên khó khăn hơn.

Triển vọng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn do thanh khoản eo hẹp

Theo số liệu được BVSC cập nhật tại báo cáo trái phiếu vừa công bố, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bơm ròng 31.133 tỷ đồng qua thị trường mở.

Cụ thể, NHNN không phát hành thêm mới lượng tín phiếu nào và chỉ có 18.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần. Trên kênh OMO, NHNN phát hành mới lượng OMO 13.134 tỷ đồng và không có lượng OMO đáo hạn. Lượng OMO đang lưu hành cũng ở mức 13.134 tỷ và không có lượng lưu hành tín phiếu nào đang lưu hành.

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần vừa qua tăng mạnh đột biến, có thời điểm lãi suất kỳ hạn qua đêm đạt mức 4,8%/năm. Đóng cửa tuần, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao quanh 4%/năm.

Thanh khoản hệ thống căng thẳng có thể xuất phát từ yếu tố mang tính thời điểm (dịp nghỉ lễ 2/9) cũng như khả năng thay đổi về nguồn vốn Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, NHNN tuần qua đã thực hiện bơm ròng 31.133 tỷ đồng qua kênh OMO và tín phiếu. Thanh khoản hệ thống có biểu hiện căng thẳng trở lại càng khiến triển vọng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nói chung trở nên khó khăn hơn.

Tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng, từ mức 23.127 VND/USD lên mức 23.133 VND/USD. Tuy vậy, tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM lại giảm từ mức 23.201 VND/USD xuống còn 23.196 VND/USD. Khoảng cách giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá thực tế tại các NHTM tiếp tục thu hẹp, chỉ còn 63 đồng.

Chỉ số DXY đóng cửa tuần ở mức 98,92 điểm, tăng 1,31% so với mức 97,64 của tuần trước đó. USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong rổ tính Dollar Index.

Cụ thể USD tăng giá lần lượt 0,84%; 0,9%; 1,45%; 2,53%; 0,21% và 1,63% so với JPY, GBP, EUR, SEK và CHF. Đồng EUR giảm giá sau những bình luận của chủ tịch ECB Christine Lagarde về việc ECB sẵn sàng cắt giảm lãi suất khi cần thiết mặc dù điều này có thể gây ra rủi ro.

Đồng GBP cũng suy yếu trong bối cảnh thủ tướng Anh Vladimir Johnson quyết định đình chỉ quốc hội trong hơn một tháng trước Brexit. Khả năng tăng trưởng kinh tế tiếp tục ảm đạm, lợi suất trái phiếu 30 năm của chính phủ Mỹ và 10 năm của Đức đạt mức thấp kỉ lục vào thứ Tư (28/8).

Đồng JPY và CHF mất giá khi diễn biến chiến tranh thương mại trong tuần qua hạ nhiệt, Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc muốn có thỏa thuận thương mại sau khi nước này liên lạc với các quan chức thương mại Mỹ để thông báo rằng Bắc Kinh muốn quay lại bàn đàm phán. Nhu cầu về tài sản an toàn cũng giảm bớt khiến đồng JPY và CHF giảm giá.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *