Tài chính ngân hàng 26/10/2022 01:36

Lợi nhuận tăng nhưng nợ xấu của ACB cao nhất từ 2018, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ACB lần đầu chạm ngưỡng 1% từ năm 2018.

Theo báo cáo tài chính quý III vừa công bố, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã chứng khoán: ACB) đạt thu nhập lãi thuần hơn 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này cũng tăng trưởng gần 40%, đạt gần 870 tỷ đồng.

Ngược lại, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ACB giảm gần 50% so với quý III/2021, chỉ còn 96 tỷ đồng. Với nghiệp vụ mua bán chứng khoán, trong đó chủ yếu là trái phiếu, nhà băng này ghi nhận lỗ 40 tỷ đồng trong bối cảnh thị trường chung kém thuận lợi.

Sau khi trừ chi phí hoạt động, lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong quý vừa qua đạt gần 4.600 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2021. Với khoản trích lập dự phòng chỉ hơn 90 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 4.475 tỷ đồng, tăng đến hơn 70% so với quý III/2021.

Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận của ACB đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2021. So với kế hoạch kinh doanh năm nay, ACB đã đạt 90% mục tiêu lợi nhuận sau 3 quý.

Biểu đồ: Việt Đức.

Đến hết tháng 9, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 402.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2021. Ở chiều ngược lại, huy động tiền gửi khách hàng của nhà băng này chỉ tăng 3% so với hồi đầu năm.

Tại thời điểm kết thúc quý III, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ACB là 1%, mức cao nhất từ năm 2018 đến nay. Trong chi tiết các nhóm nợ của ngân hàng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ACB tăng gấp đôi so với cuối năm 2021 lên gần 3.200 tỷ đồng.

Dù đã giảm trích lập dự phòng như tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ACB hiện tại vẫn lên tới gần 140%. Ngân hàng này vẫn nằm trong nhóm các đơn vị có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao so với mặt bằng chung toàn ngành.

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *