Quốc tế 16/01/2024 10:00

Tổng Giám đốc IMF: Trung Quốc cần đẩy mạnh cải cách để tránh rơi vào một chu kỳ tăng trưởng thấp

Người đứng đầu IMF khuyến nghị Trung Quốc phải "sửa chữa" thị trường bất động sản, đồng thời giải quyết tình trạng nợ công cao.

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Trung Quốc cần thực hiện một loạt các cải cách mang tính cấu trúc nhằm tránh rơi vào một giai đoạn “tăng trưởng sụt giảm sâu”. 

Trả lời phỏng vấn của đài CNBC bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại thành phố Davos, Thụy Sĩ, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức cả trong ngắn và dài hạn. 

Trong ngắn hạn, bà khuyến nghị chính phủ Trung Quốc sớm cải thiện thị trường bất động sản cũng như vấn đề nợ công cao. Trong dài hạn, bà Georgieva nhấn mạnh những thay đổi trong tình hình nhân khẩu học và niềm tin tiêu dùng, kinh doanh thấp cũng sẽ khiến cho nền kinh tế số hai thế giới gặp khó trong dài hạn. 

Tổng Giám đốc IMF - Kristalina Georgieva

“Điều mà kinh tế Trung Quốc cần là những cải cách nhằm cải thiện độ mở của nền kinh tế, tạo ra trạng thái cân bằng trong mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung vào tiêu dùng nội địa. Điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ cần phải có những biện pháp giúp nâng cao mức độ tự tin của người dân, khiến họ từ bỏ tư tưởng tiết kiệm và chi tiêu nhiều hơn”, bà khuyến nghị. 

“Tất cả những điều trên sẽ giúp Trung Quốc tránh được một giai đoạn tăng trưởng thấp hơn 4%, điều được IMF dự báo sẽ xảy ra khi các cơ quan chức năng không tiến hành các biện pháp cải cách kịp thời”, bà bổ sung. 

Trong báo cáo tháng 11, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,4% trong năm vừa qua sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh một số giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, IMF cho biết tốc độ mở rộng nền kinh tế có thể chậm lại còn 4,6% trong năm 2024 khi thị trường bất động sản vẫn chưa qua giai đoạn khó khăn. 

Bà Georgieva là một trong nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng tham dự WEF năm nay. “Khôi phục niềm tin” chính là chủ đề của WEF 2024 trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với tình trạng căng thẳng địa chính trị leo thang, phân tích toàn cầu, lạm phát và tăng trưởng yếu. 

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *