Quốc tế 31/10/2023 11:00

Sự thiếu ổn định của quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc

Hoạt động sản xuất tại nền kinh tế số hai thế giới quay đầu giảm trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bất ngờ quay đầu giảm trong tháng 10, phản ánh những khó khăn mà các  nhà hoạch định chính sách nền kinh tế số hai thế giới phải đối mặt để giữ vững đà phục hồi sau đại dịch. 

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của quốc gia này sụt giảm từ 50,2 điểm của tháng trước đó xuống còn 49,5 điểm trong tháng 10, theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê nước này công bố. Số điểm thực tế thấp hơn dự báo đi ngang của giới chuyên gia. 

Trong khi đó, chỉ số PMI phi sản xuất (bao gồm xây dựng và dịch vụ) cũng giảm từ 51,7 điểm xuống còn 50,6 điểm tháng vừa qua. 

PMI sản xuất của Trung Quốc lại về dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10

Dù dữ liệu thời gian qua mang lại những tín hiệu tích cực, đà hồi phục của nền kinh tế số hai thế giới vẫn chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng trên thị trường động sản cũng nhu cầu từ nước ngoài yếu. 

Số lượng đơn hàng xuất, nhập khẩu sụt giảm tháng thứ 8 liên tiếp, nêu bật thực tế các nhà sản xuất gặp khó trong việc tiếp cận khách hàng nước ngoài và mua về những linh kiện phục vụ hoạt động sản xuất các sản phẩm hoàn thiện để tái xuất khẩu. 

“Báo cáo PMI mới nhất là hệ quả của xu hướng nhu cầu suy yếu trước tác động từ cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và chi tiêu xây dựng cơ sở chậm lại”, Xu Tianchen, Chuyên gia kinh tế cấp cao tới từ Economist Intelligence Unit, nhận định. 

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tung ra nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế kể từ tháng 6, bao gồm cắt giảm lãi suất, tăng thanh khoản và hỗ trợ tài khóa. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định quốc gia này cần nhiều hơn những biện pháp như vậy để dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% hơn. 

Trong tuần trước, Quốc hội Trung Quốc chấp thuận phương án phát hành trái phiếu trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ trong quý IV. Nguồn tiền thu về sẽ được phân bổ cho các địa phương nhằm đẩy mạnh đầu tư công, qua đó kích thích tăng trưởng. 

Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng bơm ra thị trường lượng thanh khoản lớn  nhất kể từ cuối năm 2020 thông qua công cụ cho vay ngắn hạn, giúp các ngân hàng trong hệ thống có thêm dư địa tín dụng và giữ thấp lãi suất. 

“Những giải pháp kể trên được dự báo sẽ giúp kinh tế Trung Quốc ‘tăng tốc’ trong giai đoạn cuối năm nay”, chuyên gia Xu (Economist Intelligence Unit), chia sẻ. 

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *