Quốc tế 25/12/2023 18:00

Nhật Bản sớm "bẻ cong" chính sách tiền tệ?

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản thừa nhận những lợi ích chỉ có được khi lãi suất dương.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda thừa nhận một số điểm tích cực khi tăng lãi suất cao hơn trong điều kiện kinh tế bình thường nhưng vẫn tiếp tục thể hiện quyết tâm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu lạm phát ổn định. 

“Lợi ích rõ ràng nhất có được khi lạm phát dương và ở ngưỡng thấp chính là dư địa phản ứng chính sách tiền tệ lớn hơn một khi nền kinh tế giảm tốc”, ông Ueda chia sẻ trong bài phát biểu tại một hội nghị tổ chức bởi công ty Keidanren ngày 25/12. 

“Tôi tin rằng mức độ ổn định kinh tế tốt hơn, bắt nguồn từ dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ lớn, sẽ mang lại những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh”, ông chia sẻ. 

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản - Kazuo Ueda

Trong bài phát biểu của mình, ông Ueda không đưa ra mốc thời gian thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ cụ thể dù thừa nhận một số lợi ích chỉ xuất hiện trong môi trường lãi suất dương, trong đó bao gồm sự cải thiện thu nhập ròng từ lãi suất. 

2024 được dự báo sẽ là lần đầu tiên BoJ tăng lãi suất kể từ năm 2007 với một số chuyên gia dự báo điều đó có thể xảy ra ngay trong kỳ họp vào tháng 1 tới. 

Ông Ueda cho biết không ít người đã cảnh báo về khả năng giá cả hàng hóa và tiền lương của người lao động sẽ dừng tăng một khi đà tăng chi phí nhập khẩu suy yếu nhưng ông vẫn duy trì quan điểm lạc quan. Ông kỳ vọng kinh tế Nhật Bản sẽ sớm thoát khỏi môi trường lạm phát thấp đồng thời đạt được chu kỳ tăng trưởng giá cả và tiền lương bền vững”, ông nói. 

BoJ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong kỳ họp tuần trước, qua đó biến Nhật Bản thành quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn duy trì lãi suất âm (-0,1%). Thống đốc Ueda cho biết quyết định chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào viễn cảnh tiền lương của người lao động có tăng trưởng “một cách rõ nét” trong giai đoạn đàm phán với các doanh nghiệp vào mùa xuân năm sau. 

Kết quả sơ bộ của quá trình này sẽ được công bố vào tháng 3, và đó chính là lý do các chuyên gia nhận định BoJ sẽ thay đổi chính sách tiền tệ vào tháng 4/2024. 

“Nếu khả năng BoJ đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững tăng lên, chúng tôi sẽ cân nhắc thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại”, ông nhấn mạnh. 

Tuy lạm phát tại Nhật Bản gia tăng trong năm qua theo xu thế chung toàn cầu, BoJ cho rằng đà tăng áp lực giá cả xuất phát từ các yếu tố ngoại loại chứ không hề xuất phát từ nội tại nền kinh tế và sẽ sớm thoái trào. Do đó, cơ quan này tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khi coi mức lạm phát cao ở thời điểm hiện tại là "cơ hội trời cho" để thuyết phục các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động.

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *