Quốc tế 10/01/2024 12:00

Ngân hàng thế giới cảnh báo về một giai đoạn 'tồi tệ' của kinh tế toàn cầu

Kinh tế thế giới được dự báo trải qua giai đoạn 5 năm "chậm chạp" nhất trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây.

Nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với giai đoạn nửa thập kỷ “tồi tệ” nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo suy yếu từ xuống còn 2,4% từ mốc 2,6% của năm trước đó, theo kết quả báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới nhất mà WB vừa công bố.

Trong khi đó, tăng trưởng tiếp tục chưa thể bứt phá trong năm 2025 với 2,7%. Với kết quả trên, tốc độ mở rộng nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) thấp hơn khoảng 0,75 điểm phần trăm so với giai đoạn những năm 2010.

Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn

Và dù kinh tế thế giới tiếp tục thể hiện sức chống chịu tốt trước rủi ro suy thoái năm vừa qua, căng thẳng địa chính trị chính là thách thức lớn nhất trong ngắn hạn, kiềm chế sức bật của nhiều quốc gia.

“Xung đột đang diễn ra tại Đông Âu với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tình hình căng thẳng cũng được ghi nhận tại khu vực Trung Đông. Diễn biến khó lường của những sự kiện địa chính trị trên có thể ảnh hưởng trực tiếp tới giá năng lượng, sau đó là lạm phát và tăng trưởng”, Ayhan Kose, Phó Kinh tế trưởng phụ trách Prospects Group tại WB, chia sẻ.

Trên phương diện khu vực, tăng trưởng yếu sẽ được ghi nhận tại Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á, Châu Á - Thái Bình Dương với sự chững lại của kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, tình hình có phần “sáng sủa hơn” tại châu Mỹ - Latin, khu vực Caribe, Trung Đông và châu Phi.

Các quốc gia đang phát triển sẽ hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trung hạn do hoạt động thương mại toàn cầu suy yếu trong khi các điều kiện tài chính không ngừng thắt chặt.

Các quốc gia phát triển được dự báo tăng trưởng chỉ 3,9% trong năm 2024, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với thập kỷ trước. Tính tới cuối năm, ước tính có khoảng 40% người dân tại các quốc gia thu nhập thấp sống ở ngưỡng nghèo hơn so với trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, WB dự báo.

WB cho biết kết quả trên phản ánh sự thất bại trong mục tiêu biến thập niên 2020 trở thành “thập kỷ đổi mới” chống lại đói nghèo, bệnh tật và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại cơ hội đảo ngược tình hình nếu như các chính phủ đẩy mạnh đầu tư và củng cố hệ thống chính sách tài khóa.

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *