Quốc tế 03/08/2020 13:48

Mỹ lâm “trọng bệnh”, nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao?

Năm 2018, chính nước Mỹ đã thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau hơn một thập kỷ, bằng việc cắt giảm thuế và chi tiêu giúp có thêm tiền chảy vào thị trường trong nước và thế giới.

Tuy vậy, nếu chính sách của Mỹ vào 2 năm trước là chất xúc tác giúp nền kinh tế thế giới trở lại mạnh mẽ hơn, thì giờ đây, nó cũng chính là nguyên nhân kéo cả thế giới đi xuống.

Cách ứng phó của cường quốc hàng đầu thế giới trong đại dịch Covid-19 đang đem lại nhiều rủi ro cho bất kỳ sự phục hồi nào trên thế giới.

Mỹ lâm “trọng bệnh”, nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao? - 1

Đại dịch Covid-19 đã làm nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới bị tê liệt, trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc. Ảnh: BBC

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): “Nền kinh tế và xã hội toàn cầu sẽ còn nhiều năm tháng khó khăn ở phía trước, đặc biệt là khi số lượng các ca nhiễm đang không ngừng tăng lên. Tình trạng bất ổn chính trị- xã hội do đói nghèo là một trong số những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Nguy cơ phía trước là phần lớn dân số Mỹ sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm của chất lượng cuộc sống và tình cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế trong vài năm tới. Điều này có thể khiến nhu cầu tiêu dùng suy yếu và cản trở sự tăng trưởng về lâu dài”.

Một sự thật nghiệt ngã mà nước Mỹ đang phải đối mặt đó là sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết chi khoảng 3.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế, số ca Covid-19 lại tăng nhanh đến mức chóng mặt tại Mỹ trong khi các chương trình trợ cấp vừa hết hạn.

Nhiều quốc gia đang tỏ ra rất lo lắng về những gì xảy ra với nước Mỹ. Nền kinh tế hàng đầu thế giới này đang chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng tại Mỹ, khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Điều này cũng đồng nghĩa hoạt động nhập khẩu bị thu hẹp. Trong khi đó, kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp giảm đầu tư vào những thiết bị thường được sản xuất ở nước ngoài.

Mỹ lâm “trọng bệnh”, nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao? - 2

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được cảnh báo có nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức hai con số trong giai đoạn diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Ảnh: Reuters

Sản lượng nhập khẩu của Mỹ trong chỉ trong 5 tháng đầu năm đã giảm hơn 13%, tương đương khoảng 176 tỷ USD. Xuất khẩu từ Đức sang Mỹ trong tháng 5 cũng giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của các nhà phân tích, tình hình hiện nay không mấy khả quan đối với Mỹ.

Còn tại Nhật Bản, tốc độ hồi phục của kinh tế được đánh giá có quan hệ trực tiếp với việc Mỹ chống dịch Covid-19 thành công đến đâu.

“Nền kinh tế Nhật Bản có phục hồi được hay không hay sẽ bị trì hoãn nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan ở Mỹ và xuất khẩu từ nhiều quốc gia châu Á khác sang Mỹ không tăng trở lại” - ông Hideo Kumano, chuyên gia trưởng của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhấn mạnh.

Theo dự báo của IMF, GDP của Mỹ trong năm nay sẽ giảm 6,6%. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Canada tỏ ra bi quan hơn khi dự đoán mức giảm này còn có thể lên đến 8,1%. Đây là kịch bản khiến Canada không khỏi đau đầu khi nước láng giềng Mỹ là điểm đến của 3/4 lượng hàng hóa xuất khẩu của họ.

Còn ở biên giới phía nam nước Mỹ, Mexico mới đây đã vượt Anh, trở thành quốc gia có số ca nhiễm đứng thứ 3 trên thế giới. Vào hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã có chuyến đi mạo hiểm đến Washington để gặp Donald Trump. Tổng thống Mexico hy vọng, Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Mexico, Canada sẽ thúc đẩy kinh doanh và đầu tư sau khi có hiệu lực từ ngày 1/7.

Dù vậy, bầu không khí bi quan đang gia tăng trong bối cảnh hàng chục triệu người dân Mỹ vẫn còn thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập, từ đó tác động đến sức tiêu dùng trên thế giới.

Hương Vũ

Theo Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *