Quốc tế 06/11/2014 11:10

1 năm sau siêu bão Haiyan, vẫn chủ quan với biến đổi khí hậu?

FICA – Năm 2013, 78% số người chết do thảm họa trên toàn thế giới đến từ châu Á, so với 60% các thiên tai, thảm họa xảy ra ở đây.

Đông Nam Á mất 1 tỷ USD vì thiên tai

Một năm sau thời điểm siêu bão Haiyan tàn phá Philippines, Tổ chức Nhân đạo và Phát triển quốc tế Oxfam đã xuất bản một báo cáo mới mang tên “Không thể chờ đợi”. Bản tóm lược của báo cáo cho thấy các quốc gia tại châu Á chưa chú trọng đúng mức đến công tác giảm nhẹ rủi ro thảm họa, bất chấp những cảnh báo rằng khu vực này sẽ còn chịu nhiều thiệt hại hơn nữa trong tương lai do biến đổi khí hậu.

Theo Chiến lược quốc tế giảm nhẹ thảm họa của Liên hợp quốc (UNISDR), châu Á là khu vực hứng chịu nhiều thảm họa nhất thế giới. Năm 2013, 78% số người chết do thảm họa trên toàn thế giới đến từ châu Á, so với 60% các thiên tai, thảm họa xảy ra ở đây. Theo ước tính, trong 20 năm qua, châu lục này đã phải gánh chịu gần một nửa thiệt hại gây ra do các thảm họa trên tòan thế giới, tương đương 53 tỷ USD mỗi năm. Mức thiệt hại trực tiếp này còn vượt xa mức tăng GDP của cả khu vực. Tại Đông Nam Á, riêng thiệt hại do mất mùa, mất canh tác gây ra cũng đã lên đến 1 tỷ USD.

Oxfam cảnh báo, nếu không hành động, bốn quốc gia bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đến năm 2100 có thể sẽ bị mất đến 6,7% GDP hàng năm, gần gấp đôi thiệt hại trung bình của toàn thế giới, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Điều này sẽ đẩy lùi bước tiến của nhiều nền kinh tế châu Á hiện tại đang có mức tăng trưởng GDP bình quân 6% mỗi năm kể từ năm 2012.

Nếu không được giải quyết thỏa đáng, biến đổi khí hậu có thể làm chậm quá trình phát triển cũng như những nỗ lực xóa đói giảm nghèo của cả khu vực. Bên cạnh đó, theo các phân tích của Oxfam về các chính sách Giảm nhẹ rủi ro thảm họa và Ứng phó với biến đổi khí hậu của 10 quốc gia thành viên ASEAN và bốn quốc gia khu vực Nam Á, nhiều chính phủ châu Á đang đầu tư quá ít vào các kế hoạch phát triển nông nghiệp để tăng khả năng ứng phó của người dân trước biến đổi khí hậu.

Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, bà Babeth Lefur cho biết: “Năm 2013, chính phủ Việt Nam đã chủ động ứng phó với siêu bão Haiyan thông qua việc đặt mức chuẩn bị phòng chống bão ở cấp cao nhất cho các tỉnh ven biển. Gần 800.000 người đã được sơ tán trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Tuy vậy, chính phủ vẫn cần quan tâm hơn đến việc sửa đổi, cập nhật hệ thống văn bản pháp luật liên quan và công tác triển khai thực hiện. Cụ thể, điều luật mới nhất về Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai (2013) cũng chỉ đề cập rất ít đến việc ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như cách xử lý trong các tình huống xấu.

Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt những văn bản pháp luật về phòng chống và ứng phó với thảm họa, biến đổi khí hậu và các sự kiện cực đoan, nhằm mục đích tăng cường năng lực của cả người dân địa phương và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, những văn bản này chỉ mang lại hiệu quả nếu nguồn lực được phân bổ hợp lý cho việc triển khai, với sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan có trách nhiệm ở tất cả các cấp”.

1 năm sau siêu bão Haiyan, người dân vẫn chật vật và cùng cực

Theo đánh giá của Oxfam về việc phục hồi sau siêu bão Haiyan, Philippines mặc dù đã thể hiện rõ sự chủ động trong quá trình dịch chuyển từ hoạt động hỗ trợ nhân đạo sang giai đoạn phục hồi và thích nghi sau thảm họa, các nỗ lực này có thể bị lung lay nếu chính phủ không được củng cố thêm nguồn lực.

Một năm kể từ ngày cơn bão Haiyan đổ bộ, bất chấp những nỗ lực cứu trợ nhân đạo khổng lồ mà chính phủ và người dân Philippines đã nhận được, các gia đình nơi đây vẫn đang chật vật trong việc khôi phục sinh kế và thậm chí còn thường trực đứng trước nguy cơ bị rơi xuống đáy sự cùng cực tại một khu vực đã vô cùng nghèo khó.

Hơn 1 triệu hộ gia đình nông dân nghèo trồng dừa và 200.000 hộ ngư dân đã bị ảnh hưởng, đây đều là những kế sinh nhai đặc trưng của các cộng đồng nghèo khó.

Cơn bão Haiyan và những thiệt hại mà nó để lại là minh chứng rõ ràng nhất cho sự dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, nếu chúng ta tiếp tục phớt lờ thực tế này hay không làm gì để bù đắp, thì người dân tại những nơi mà cơn bão này đi qua sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong đời sống và trở nên dễ tổn thương hơn nữa trước những thảm họa và nguy cơ đói nghèo trong tương lai.

Hai phần ba số dân toàn thế giới không được đảm bảo an ninh lương thực sống tại Châu Á. Đây lại là khu vực tập trung đông các hộ sản xuất lương thực quy mô nhỏ - nông dân và ngư dân. Nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và lũ lụt là những mối đe dọa thường trực đối với những người dân sinh sống dọc theo hàng nghìn dặm đường bờ biển, chiếm từ 3,5 tới 5 triệu người nơi đây. Các hậu quả tiêu cực tác động lên việc sản xuất lương thực sẽ thay đổi một loạt các mặt hàng trên thị trường, cũng như chồng thêm trách nhiệm lên chính phủ.

Bích Diệp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *