Dòng chảy vốn 10/11/2014 11:14

Xoay trục tránh Trung Quốc: Nhật Bản đổ vốn vào Việt Nam

Đầu tư của Nhật vào các nước Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên mức 2.300 tỉ yen, tương đương khoảng 24 tỉ đô la Mỹ.

Việt Nam được coi là một trong vài điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư đang “xoay trục” của Nhật Bản.

 

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Yokowo Vietnam 
(vốn đầu tư của Nhật Bản) ở khu công nghiệp Đồng Văn II, Hà Nam
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Yokowo Vietnam (vốn đầu tư của Nhật Bản) ở khu công nghiệp Đồng Văn II, Hà Nam

 

Theo ghi nhận của báo The Economist, đầu tư của Nhật vào các nước Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên mức 2.300 tỉ yen, tương đương khoảng 24 tỉ đô la Mỹ.

 

Có thể kể tới các dự án tiêu biểu như Softbank - tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản, đầu tư 100 triệu đô la vào Tokopedia, một doanh nghiệp thương mại điện tử của Indonesia; tập đoàn Toshiba cam kết đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào Đông Nam Á trong năm năm tới, Ngân hàng Mitsubishi UFJ lớn nhất Nhật Bản bỏ ra 536 tỉ yen mua 72% cổ phần của Ngân hàng Ayudhya Thái Lan...

 

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng đây là dấu hiệu của chiến lược “xoay trục” trong dòng vốn đầu tư của Nhật.

 

Trước đó từ thập niên 1980-1990, Nhật đã đầu tư mạnh vào Thái Lan, Malaysia và Singapore, giúp hình thành những trung tâm công nghiệp xe hơi-xe máy và điện tử ở các nước này.

 

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, cùng với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cuối năm 2001 đã làm chuyển hướng dòng vốn đầu tư của Nhật: các nhà đầu tư Nhật đổ xô sang Trung Quốc để khai thác nhân công giá rẻ, sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường thế giới.

 

Bây giờ, Đông Nam Á lại trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư Nhật, một phần vì giá nhân công ở Trung Quốc tăng nhanh và không còn rẻ nữa, một phần vì căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia Nhật-Trung liên tục bùng phát từ năm 2012 đến nay.

 

Đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm khoảng 40% trong năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2014, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Nhật cũng giảm 23,5%.

 

Về phần các công ty Nhật, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Đông Nam Á mang lại cho họ những cơ hội hết sức lớn lao. Đông Nam Á - với thị trường khoảng 635 triệu người, tổng GDP hơn 2.400 tỉ đô la Mỹ năm 2014, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 6% - là điểm đến “thay thế” hết sức tốt cho thị trường Trung Quốc.

 

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài hiện nay của Nhật, do các tổ chức tài chính dẫn đầu, có phần do người Nhật không tìm thấy cơ hội ở thị trường trong nước, do né tránh rủi ro của thị trường Trung Quốc nhưng phần khác do họ đang có trong tay khoản tiền mặt khổng lồ, lên tới 229.000 tỉ yen, tích lũy được nhờ chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

 

Đối với Việt Nam, theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 3/2014, các nhà đầu tư Nhật Bản có 2237 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 35,38 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

 

Quy mô vốn bình quân 1 dự án của Nhật Bản là 15,8 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức bình quân chung 1 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (là 14,58 triệu USD/dự án).

 

Đến nay, Nhật Bản đã đầu tư vào 18 trên tổng số 21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất với 1213 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 29,82 tỷ USD (chiếm 54,2% tổng số dự án và chiếm 84,3% tổng vốn đầu tư).

 

Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 30 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,4 tỷ USD (chiếm 4% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực xây dựng có 54 dự án số vốn đầu tư đăng ký là 1,05 tỷ USD (chiếm 3% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các lĩnh vực khác.

 

Theo Phương Nguyên (Tổng hợp)

Đất Việt

 

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *