Dòng chảy vốn 10/04/2014 13:08

Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài: Vì sao “đi một đằng, thu phí một nẻo”?

FICA - Tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nằm trên Quốc lộ 2, cách trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài tới 40km, nhưng hơn 3 năm nay, các phương tiện qua trạm vẫn phải nộp phí nhằm giúp nhà đầu tư hoàn vốn BOT. Vì sao không đi vẫn phải nộp phí?

Xung quanh việc "đi một đằng, nộp phí một nẻo" nói trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để có những lý giải rõ hơn về vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, những phàn nàn về việc phải nộp phí tại trạm thu Bắc Thăng Long - Nội Bài không phải bây giờ mới xảy ra, người dân thậm chí thấy khó hiểu và bức xúc. Ông giải thích như thế nào về việc thu phí BOT trên tuyến đường không phải BOT?

Khi xây dựng tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên thuộc Quốc lộ 2, Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư xã hội hóa và mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia làm dự án. Lúc đó, để thu hút được đầu tư thì phải có những chính sách thỏa đáng và những điều kiện hoàn vốn cho doanh nghiệp.

BOT là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Đây là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định, khi hết thời hạn thì nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước.

Việc đặt trạm thu phí là một vấn đề mà các bên đã phải ngồi lại bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng. Tổng thu khi đó còn phụ thuộc vào lộ trình tăng phí trên tuyến quốc lộ 2 nên tổng thể của bài toán này cho đến nay vẫn chưa đạt được sự tối ưu cho các bên.

Thứ trưởng có thể nói rõ hơn lí do tại sao?

Bởi phía nhà đầu tư họ thấy rằng chưa thỏa mãn cho việc hoàn vốn; phía tỉnh Vĩnh Phúc thì cho rằng nếu có 2 trạm phụ thu trên một tuyến đường sẽ là gánh nặng cho người dân, nếu tăng phí lại thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thứ nữa là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, bản thân nó sẽ chia sẻ thêm cho tuyến đường này.

Phương án tối ưu nhất là Nhà nước bỏ tiền ra mua lại, còn nếu di chuyển vị trí trạm đi nơi khác thì nó lại ảnh hưởng đến những trạm khác nữa. Vì thế Chính phủ đang lấy ý kiến các ngành và giao cho Bộ GTVT đàm phán với doanh nghiệp để đảm bảo sự thỏa đáng nhất với nhà đầu tư, nên vì sao bây giờ vẫn chưa mua lại là như thế.

Bản đồ mô tải vị trí trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài và tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên. Trong ảnh: Điểm đỏ tròn là trạm thu phí, đường kẻ màu đỏ là đường tránh. Cự ly của 2 vị trí này cách nhau khoảng 40km (ảnh: Việt Hưng)

Nếu Nhà nước bỏ tiền ra mua lại thì sẽ tính toán thế nào thưa Thứ trưởng?

Trên cơ sở tính toán số tiền đã thu được bao nhiêu và còn bao nhiêu năm, lợi suất trong hợp đồng là bao nhiêu. Tuy nhiên, vấn đề là lấy nguồn tiền nào để mua lại? Trước kia Chính phủ kêu gọi xã hội hóa, huy động vốn BOT để đầu tư xây dựng, vậy bây giờ lại bỏ tiền ra để mua lại công trình thì số tiền đó quá lớn. Nếu con đường tránh đó nếu bỏ tiền ra của mình ra thì làm được mấy con đường tránh khác, vì không phải chịu lãi suất mấy chục năm thu hồi vốn.

Đã hơn 3 năm người dân phải nộp phí hoàn vốn cho tuyến đường mà xe của họ không hề đi tới, Thứ trưởng nghĩ sao về sự không công bằng và bất hợp lí này?

Trước khi tiến hành thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đã có sự tính toán sao cho hài hòa giữa các bên, có sự thống nhất giữa TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.

Sẽ không thể cắt nghĩa được điều này, bởi bản thân người dân không đi trên tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên nhưng có thể cũng đi rất nhiều trên một tuyến đường BOT khác mà không phải đóng phí. Ở đây chúng ta tính tổng thể trên lãnh thổ Việt Nam, người dân được hưởng những dịch vụ hạ tầng tốt, sự đóng góp BOT là đóng góp chung cho xã hội, đối với cả hệ thống hạ tầng chứ không phải chỉ đóng góp cho 1 tuyến đường cụ thể có đi hay không.

Câu chuyện BOT đường tránh TP Vĩnh Yên là trước kia nên để đảm bảo hài hòa và sự hợp lí với thực tiễn thì phải đàm phán và có những phương án giải quyết. Còn từ năm 2013 đến nay, Bộ GTVT đang thực hiện những dự án BOT trên những đoạn đường mà người dân được hưởng lợi, Bộ GTVT chỉ đầu tư BOT và thu phí trực tiếp trên dự án và người dân đi trên tuyến BOT thì phải nộp tiền trực tiếp trên tuyến này.

Nhưng không có nghĩa là tuyến BOT nào người dân cũng đi qua?

Đây là một hệ thống liên hoàn. Theo hành trình thì không ai đi trên đường tránh TP Vĩnh Yên mà lại không về Hà Nội và qua trạm Bắc Thăn Long - Nội Bài, cũng không ai có thể khẳng định chỉ đi qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài mà không có lúc đi qua tuyến tránh TP Vĩnh Yên.

Với các dự án BOT, bao giờ Nhà nước cũng tính tới việc giảm thiểu rủi ro và xác suất cho nhà đầu tư, đó là quy định. Vì thế, sau khi hoàn thành dự án, nhà đầu tư được thu phí ở những nơi có lưu lượng xe cao nhất để hoàn vốn nhanh nhất, được tăng phí theo lộ trình, đồng thời thời gian thu phí được thay đổi khi lãi suất thay đổi hay có sự biến động về lưu lượng phương tiện đi trên tuyến.

Lưu lượng xe đi qua tuyến tránh TP Vĩnh Yên và qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài có sự chênh lệch như thế nào thưa Thứ trưởng?

Chúng tôi đã có tính toán về lượng xe đi qua tuyến tranh TP Vĩnh Yên để đầu tư dự án BOT. Có thể nói thế này, tuyến tránh TP Vĩnh Yên là Quốc lộ 2, còn qua trạm là 2 tuyến Quốc lộ 2 và đường Thăng Long - Nội Bài, vì thế lưu lượng xe qua trạm này lớn gấp 2 lần so với tuyến tránh TP Vĩnh Yên.

Lưu lượng xe quyết định đến thời gian thu phí, vì thế nếu thu trên Quốc lộ 2 thì thời gian có thể kéo dài tới 30 năm, còn thu qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thì chỉ mươi mười lăm năm là kết thúc dự án, vì thế đó là giải pháp trước mắt mà Nhà nước tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn được nhanh chóng và sớm giải quyết trạm thu phí này.

Theo Thứ trưởng, hiện nay cách giải quyết nào là tốt nhất về việc thu phí của người tham gia giao thông qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và việc hoàn vốn BOT cho doanh nghiệp?

Như tôi đã nói ở trên, giải pháp hiện nay là phải giải quyết hài hòa lợi ích của các bên để có một lộ trình hợp lí.

Về việc kiến nghị tăng phí gấp 2 lần qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài là việc của Vietrancimex 8, còn tăng như thế nào là việc các cơ quan quản lý Nhà nước phải tính và mức tăng này nằm trong quy định, trong hợp đồng đã ký kết. Nếu có tăng thì phải nghiên cứu xem tăng bao nhiêu là vừa để đảm bảo lợi ích doanh nghiệp nhưng không làm ảnh hưởng đến người dân.

Đến cuối năm nay, khi đường Nhật Tân - Nội Bài đưa vào sử dụng và cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông toàn tuyến thì lưu lượng xe sẽ được chia sẻ, vì thế doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và bản thân trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng không nhất thiết phải di chuyển đi vị trí khác. Như vậy là hài hòa và hợp lí hơn cả.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Dự án đường tránh TP Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư gần 616 tỷ đồng do Vietrancimex 8 bỏ vốn đầu tư xây dựng. Theo hợp đồng ký kết với Tổng Cục đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT thì Vietrancimex 8 được thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài trong vòng 16 năm 10 tháng 11 ngày, trong đó thời gian thu phí để hoàn vốn là 12 năm 10 tháng 11 ngày, kể từ ngày 1/1/2011, thời gian thu phí thêm cho nhà đầu tư là 4 năm. Hiện, Vietracimex 8 đã thu phí hoàn vốn được 3 năm 2 tháng.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *