Đời Sống 15/05/2018 09:45

Quán ốc 24 năm “vừa bán vừa đuổi khách” vẫn kín chỗ nhờ chiêu độc của ông chủ quán

Bất kể đông hay hè, ngày hay tối, quán ốc nơi con ngõ nhỏ số 41 Thái Hà chưa bao giờ vắng khách. Khách đến đây không chỉ để ăn ốc mà còn để thưởng thức tiếng đàn violin của ông chủ quán năm nay đã 65 tuổi.

Vừa ăn ốc vừa nghe đàn là điểm độc đáo chỉ có ở quán ốc của ông Sỹ.
Vừa ăn ốc vừa nghe đàn là điểm độc đáo chỉ có ở quán ốc của ông Sỹ.

Vừa ăn ốc, vừa nghe ông chủ đánh đàn

Quán ốc do ông Nguyễn Văn Sỹ và vợ mình mở kể từ năm 1993 đến nay đã được 25 năm. Quán mang tên Oanh Ốc (tên Oanh là vợ ông), mở từ 14h đến 21h chuyên bán ốc luộc, ngao hấp, xoài dầm và sung muối. Những năm gần đây có thêm nem rán, khoai chiên, trứng cút lộn, hoa quả ăn kèm… để phục vụ nhu cầu khách hàng. Không gian nhỏ nhắn chỉ kê vừa 6 bộ bàn ghế cũng chính là sân khấu lớn nhất mà hằng ngày ông Sỹ trình diễn niềm đam mê âm nhạc của mình.

Ông Sỹ chia sẻ: “Khách thường xuyên quay trở lại một phần là đồ ăn ngon và giá cả hợp lý, một phần là vì chính tiếng đàn”.

Sau khi sắp xếp chỗ để xe và chỗ ngồi cho khách xong, lúc rảnh rỗi hay được khách yêu cầu, ông Sỹ sẵn sàng kéo những bản nhạc violin cho mọi người nghe. Ông thích dòng nhạc cổ điển, những bài hát cách mạng, tiền chiến của nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Huy Du như: trường ca sông Lô, du kích sông Thao… Ngoài ra, nếu khách thích hay yêu cầu bài hát nào thì ông cũng sẵn sàng. Bởi với ông “kéo đàn là để thỏa mãn đam mê chứ không kiếm sống bằng nghề này được”.

Quán đông khách, tiếng nói cười xôn xao nhưng chỉ cần tiếng đàn vang lên thì tất cả sẽ im lặng lắng nghe. Nhúng những chú ốc béo tròn vào bát nước chấm thơm lừng, vang bên tai là tiếng đàn violin du dương, cảm giác thư thái nhẹ nhàng lan tỏa đến mỗi người. Một vị khách thốt lên: “Vừa được ăn ốc vừa được nghe đàn thì còn gì bằng”.

Ông Sỹ nâng niu cây đàn như tài sản quý của đời mình.
Ông Sỹ nâng niu cây đàn như tài sản quý của đời mình.

“Cây đàn là kỷ niệm đời tôi”

Cơ duyên ông Sỹ đến với cây đàn dương cầm là vào năm 1975, trong dịp đón các đồng chí Nguyễn Hữu Thọ và Trịnh Đình Thảo từ miền Nam ra miền Bắc. Lãnh đạo cấp trên yêu cầu trường nội trú của ông phải thành lập đội văn nghệ. Lúc đầu được chọn làm nhạc trưởng nhưng không phù hợp nên được chuyển sang đánh vĩ cầm theo sở thích. Sau đó, ông đã từng đi biểu diễn ở các rạp tại Hà Nội, Nam Định,…

Một góc của quán ăn với bảng thực đơn và thông báo của quán
Một góc của quán ăn với bảng thực đơn và thông báo của quán

Dù tự nhận mình là trình độ “ao làng” nhưng nhìn cách ông nâng niu cây đàn và say mê trong từng nốt nhạc là biết ông yêu đàn và nhạc đến thế nào. Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ của mình, ông vui vẻ nói: “ Năm 2013, có đôi vợ chồng sau khi đọc báo đã đánh ô tô từ tận Gia Lâm sang đây để nghe đàn. Ra về họ biếu tớ 200.000 đồng, tớ bảo không phải vì tiền nhưng họ bảo vẫn còn Tết, đây là mừng tuổi bác. Nhưng cậu ấy cứ gửi nên đành phải nhận. Giờ vẫn còn giữ tờ hai trăm nghìn ấy làm kỷ niệm.”

Ông cũng chia sẻ thêm: “Có nhiều khách nước ngoài được bạn Việt Nam dẫn đến quán, hôm nọ có người Ý đến và tớ đánh bài “Mặt trời của tôi” - dân ca Ý cho họ nghe”.

Quán ăn nhỏ nhắn, luôn đông khách
Quán ăn nhỏ nhắn, luôn đông khách

Cây đàn đầu tiên có hơn 40 năm gắn bó với ông, kể từ 1975 đến năm 2016 thì bị vỡ, ông cất đi làm kỷ niệm. Cây đàn mà hiện tại ông đang chơi của Trung Quốc, mới mua được 2 năm nay.

Ông chủ vui tính và thích đàn như vậy nhưng lại được đặt biệt danh là “ông Sỹ khùng”. Khi hỏi về lý do, ông thẳng thắn thừa nhận mình hay quát khách, nhất là người không biết điều, cứ tưởng có tiền là mua được tất cả. Những lúc quát mắng chẳng ai ngờ được ông vốn lại là người yêu nghệ thuật và đam mê kéo đàn.

Hà Nội đang bước vào những ngày hè nắng nóng đầu tiên, quán ốc “độc nhất vô nhị” của ông chủ “Sỹ khùng” vẫn đông khách. Phố nhỏ, ngõ nhỏ, quán ốc ở đó và tiếng đàn thì vẫn còn vang mãi, gợi cho mọi người ấn tượng về Hà Nội thật yên bình.

Ngọc Thanh Thanh

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *