Đời Sống 05/09/2014 14:56

Mực tẩy bằng hóa chất trắng phau đầu độc người dùng

Gần đây, nhiều loại đồ ăn hôi thối được phù phép bằng hóa chất trở thành tươi mới. Cơ quan chức năng phát hiện xưởng tẩy trắng mực đưa đi tiêu thụ.

Chiều 4/9, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) phối hợp với Công an phường Yên Phụ kiểm tra hành chính cơ sở ngâm tẩm, tẩy trắng cá mực bằng hóa chất trong ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ.

 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn mực bốc mùi hôi thối đang được các công nhân đổ ra nền xi măng sơ chế, bóc lớp vỏ đen xám. Bên cạnh, cảnh sát phát hiện nhiều thùng phuy ngâm cá mực.

Xưởng sơ chế cá mực bị cảnh sát kiểm tra nằm ngoài bãi sông Hồng.
Xưởng sơ chế cá mực bị cảnh sát kiểm tra nằm ngoài bãi sông Hồng.

 

Khu sơ chế cá mực được dựng tạm ngoài bãi sông Hồng, quây bạt, ruồi nhặng bu kín xung quanh. Chủ cơ sở Đỗ Thị Lan (32 tuổi, ở Cát Bi, Hải Phòng) khai không có giấy phép đăng ký kinh doanh.

 

Chị Lan cho hay số cá mực kém chất lượng này nhập về từ Hải Phòng. Sau khi đưa vào xưởng, chủ cơ sở “phù phép” mực hôi thối trở nên trắng phau, rồi đưa ra chợ Long Biên (quận Ba Đình) tiêu thụ.

 

Người phụ nữ 32 tuổi khai mua mực giá 15.000 đồng/kg, sau khi dùng hóa chất ngâm tẩy trắng sẽ bán ra thị trường giá 60.000 đồng. Trung bình cơ sở này bán 300 - 500 kg mực ngâm tẩm hóa chất ra các chợ đầu mối.

 

Cá mực tẩy trắng chờ bán ra thị trường.
Cá mực tẩy trắng chờ bán ra thị trường.

 

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện trường hợp mực được phù phép từ mực thối thành trắng phau như trên. Ngày 15/4, Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Ba Đình đã bất ngờ tiến hành kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại khu vực chợ Long Biên, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

 

Tại kho G2, cơ quan chức năng đã bắt quả tang Vũ Mạnh Cầm (22 tuổi, trú tại Ân Thi, Hưng Yên) là nhân viên khu thủy sản đang đổ hàng chục kg mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp.

Tiến hành kiểm tra kho, cảnh sát phát hiện có 750kg mực ống đã bốc mùi đang được lưu trữ, trong đó 150kg đang được ngâm tẩm hóa chất.

 

Tại hiện trường, Cầm khai hiện mình đang làm thuê cho bà Ngô Thị Nụ (46 tuổi, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.)

 

Về thủ thuật “tẩy,” Cẩm cho hay: Để phù phép mực hỏng thành mực tươi, anh ta hòa 300ml ôxy già loại công nghiệp vào thùng phuy nước rồi đổ mực vào ngâm. Khoảng 30 phút sau, Cầm dùng gậy sắt đảo đều cho tới khi mực trắng, hết mùi thối thì đem ra chợ Long Biên bán.

 

Khai báo với công an, chủ hàng cũng thừa nhận hành vi tẩy mực kém chất lượng bằng hóa chất công nghiệp đã diễn ra khoảng nửa tháng nay. Để không bị phát hiện, chủ ki ốt chỉ đạo nhân viên hạ cửa cuốn nhà kho khi thực hiện công đoạn ngâm, tẩy mực.

 

Công nghệ tẩy trắng mực không chỉ có ở Hà Nội mà còn xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Nam. Khoảng tháng 7/2013, theo phản ánh trên báo Phú Yên, một số người bán tại TP. Tuy Hoà đã sơ chế mực ươn, mực thối thành mực tươi. Khoảng 5h sáng thì nhiều sọt mực đã bốc mùi hôi thối hoặc ngả màu tím được giao cho người bán và chỉ vài chục phút sau sẽ có những rổ mực tươi ngon được xếp chồng lên nhau rất cẩn thận.

 

Thậm chí, có người bán hàng còn dùng 2 cây tre khuấy liên tục trong một thùng nước màu trắng rồi vướt ra nhiều con mực tươi nguyên cho vào bì bóng để giao cho người bán hàng.

 

Theo tìm hiểu, số mực đó là hàng tồn từ ngày hôm trước không bán hết nên những người bán hàng đã dùng một thứ nước có màu đục cho vào xô hoặc chậu rồi đổ mực thối vào ngâm khoảng 30 phút rồi vớt ra. Cũng bởi vậy mà nhiều người mua phải loại mực này, dù đã rất cẩn thận nhưng vẫn bị nhầm lẫn.

 

Trước đó, công nghệ tẩy trắng các loại cá ươn, mực, nội tạng lợn, gia cầm thối... bằng hoá chất tại TP.HCM cũng được nhiều tiểu thương sử dụng.

Theo đó, dân trong nghề gọi loại hóa chất này là "chất kiềm" có công dụng giữ cho con mực không bị hư hỏng và tích nước làm tăng trọng lượng (mỗi kg mực ngâm hóa chất này sẽ làm tăng trọng lượng thêm ít nhất 200g). Trường hợp mực đã bị biến chất, người bán sẽ "xử lý" bằng cách ngâm chất tẩy trắng. Chất này không chỉ khử mùi hôi tanh (do mực đang trong quá trình phân hủy) mà còn tạo độ giòn, dai...

 

Ông Giang - một người chuyên bỏ mối thủy hải sản ở TP.HCM - cho biết, mực chưa ngâm tẩm hóa chất sẽ có màu xám trắng hoặc xám đen và còn cả mai. Còn mực bán ở chợ phần lớn đã qua sơ chế bằng cách ngâm hóa chất nên người ta phải gỡ bỏ mai, màu mực thường trắng tươi.

Quỳnh Vũ (Tổng hợp)

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *