Doanh nghiệp 26/11/2018 11:09

“Vua tôm” Lê Văn Quang: Chấp nhận đánh đổi để chi phối thị trường thế giới

Hiện tại MPC đang có 4 đối tác tiềm năng với tỷ lệ sở hữu mong muốn của các nhà đầu tư này lần lượt là 35,1%, 30%, 15% và 51% (35,1% phát hành mới và hơn 15% mua từ gia đình ông Quang). Theo VDSC, việc chấp nhận cho đối tác ngoại nắm quyền kiểm soát cho thấy ông Lê Văn Quang đang đánh đổi rất nhiều cho mục tiêu chi phối thị trường thế giới.

Phiên họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Thuỷ sản Minh Phú (MPC) diễn ra trong tháng này đã thông qua các tờ trình sau về kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài và các dự án gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung:

Cụ thể, “vua tôm” quyết định hủy bỏ một số ngành nghề kinh doanh không hoạt động hoặc không phải mảng chính; phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 2.157,2 tỷ đồng.

Phiên họp này cũng bàn về dự án nhà máy tôm tẩm bột 40.000 tấn/năm tại Hậu Giang và dự án kho lạnh tại Mỹ; bầu bổ sung một thành viên HĐQT; thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển lĩnh vực nuôi tôm; Chương trình ESOP hàng năm với mức tối đa 500.000 cổ phiếu/năm; cho phép một số cổ đông là người nhà Chủ tịch HĐQT mua cổ phiếu không phải chào mua công khai.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược sau phát hành là 35,1%. Sau đó, đối tác có thể tăng tỷ lệ sở hữu thông qua mua lại cổ phần từ phần sở hữu của gia đình Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang (gia đình ông Quang đang nắm 64,2% MPC).

"Vua tôm" Lê Văn Quang có thể sẽ hi sinh sở hữu tại MPC để  mở rộng thị phần công ty

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện tại MPC đang có 4 đối tác tiềm năng với tỷ lệ sở hữu mong muốn của các nhà đầu tư này lần lượt là 35,1%, 30%, 15% và 51% (35,1% phát hành mới và hơn 15% mua từ gia đình ông Quang). Công ty giới hạn phần sở hữu của các cổ đông chiến lược ở mức tối đa 51%.

Với giả định MPC không vay thêm nợ và phát hành riêng lẻ thành công ở mức giá trung bình 10 phiên gần nhất tính đến ngày 12/11/2018 là 46.600 đồng/cổ phiếu, VDSC ước tính tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu sẽ giảm từ 67% hiện tại xuống 51%. Điều này có nghĩa là các rủi ro do sử dụng đòn bẩy nợ sẽ giảm bớt và lợi nhuận sẽ ổn định hơn.

Trong chuỗi giá trị tôm của Minh Phú, từ nuôi tôm, chế biến tôm đến xuất khẩu, vấn đề lớn nhất của công ty đang nằm ở khâu phân phối. Công ty hiện chỉ đang xuất khẩu theo hình thức B2B mà chưa thể triển khai B2C. Nếu phân phối B2C, giá bán của công ty sẽ cao hơn mức giá hiện nay đến 30%. Biên lãi ròng khi đó, theo tính toán của công ty, sẽ đạt 15% so với mức 5-6% hiện tại. Do đó, Minh Phú đang muốn hợp tác với một/một số đối tác có thế mạnh về kênh phân phối.

Công ty cho biết có 2 trong 4 nhà đầu tư kể trên có thể đóng góp về mặt phân phối. Vì danh tính của các đối tác đang đàm phán vẫn chưa được tiết lộ nên VDSC cho biết chưa thể đánh giá về mức độ các đối tác này có thể đóng góp cho Minh Phú. Tuy nhiên, việc chấp nhận cho đối tác ngoại nắm quyền kiểm soát cho thấy ông Lê Văn Quang đang đánh đổi rất nhiều cho mục tiêu chi phối thị trường thế giới.

Đối với dự án nhà máy tôm tẩm bột, MPC sẽ ứng dụng công nghệ tự động hóa nhằm giảm giá thành sản phẩm so với mặt hàng tôm tẩm bột truyền thống của công ty. Hiện tại, công ty đang phải làm tôm tẩm bột bằng tay theo yêu cầu của các khách hàng Nhật Bản nên biên lãi gộp của mặt hàng này chỉ đạt 10%. Dự án tôm tẩm bột mới nhằm chiếm thị phần của Trung Quốc tại Mỹ khi tôm Trung Quốc không thể vào Mỹ (do bị áp thuế 10% hiện nay và 25% từ năm 2019).

Tôm nguyên liệu cho nhà máy này lấy từ Ấn Độ và tôm loại 2 của Minh Phú Hậu Giang và Minh Phú Cà Mau là các nguồn tôm giá rẻ nên chi phí đầu vào thấp.

Nhà máy đặt tại Hậu Giang cũng tiết kiệm chi phí vận chuyển khi nhập tôm nguyên liệu và xuất tôm thành phẩm. Số lượng công nhân tối đa là 1.000 người (so với 7.000 người ở mỗi nhà máy hiện tại).

Dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành từ năm 2020 và chạy tối đa công suất ngay từ đầu. Doanh thu dự kiến đạt 250-300 triệu USD/năm và lợi nhuận dự kiến đạt trên 20%. Trường hợp không có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Minh Phú phải cạnh tranh với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ, lợi nhuận vẫn trên 15%.

Chia sẻ thêm về công nghệ nuôi tôm mới, MPC cho biết sau khi triển khai công nghệ cảm biến (sensor) thành công trên các ao tự nuôi thì sẽ chuyển giao công nghệ này cho các hộ nuôi liên kết. Đây vừa là cách công ty đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, vừa là cách kiểm soát chất lượng và số lượng tôm trong ao, tránh tình trạng thất thoát do cố ý.

Mai Chi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *