Doanh nghiệp 28/07/2014 07:07

Tôn Hoa Sen: Lãi giảm có đáng lo?

Sau 3 quý, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen mới chỉ đạt 47% kế hoạch cả năm.

Sau khi đưa nhiều dây chuyền sản xuất vào vận hành, sản lượng và doanh thu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen trong 3 quý đầu năm (niên độ tài chính của Hoa Sen kết thúc vào tháng 9 mỗi năm) đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 281 tỉ đồng, giảm gần một nửa và mới đạt 47% kế hoạch cả năm. Tỉ suất lợi nhuận cũng giảm xuống, bình quân 3 quý còn 9% so với mức 16% trước đó. Nguyên nhân chính là chi phí đầu vào tăng trong khi giá thép lại không tăng, lình xình trong biên độ hẹp kể từ cuối năm ngoái đến nay.

 

ton-hoa-sen-lai-giam-co-dang-lo

Sau 3 quý, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen mới chỉ đạt 47% kế hoạch cả năm

 

Việc lợi nhuận của Hoa Sen sụt giảm đáng kể một phần còn vì năm 2013 Công ty có mức lợi nhuận đột biến nhờ đầu cơ nguyên liệu. Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen, cho biết Công ty đã đánh giá đúng biến động giá thép cán nóng, nên chủ động nhập nguồn nguyên liệu với giá rẻ. Sau đó, giá thép tăng lên nên Công ty đã lãi lớn.

 

Như vậy, nếu loại bỏ yếu tố bất thường từ đầu cơ nguyên liệu, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tôn thép còn gặp khó khăn, lợi nhuận 9 tháng của Hoa Sen giảm chưa hẳn là điều đáng ngại.

 

Là một tập đoàn có đến 45% doanh thu từ xuất khẩu nên việc đồng nội tệ của một số thị trường xuất khẩu như Indonesia, Thái Lan, Malaysia mất giá ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của Hoa Sen. Nói rõ hơn, hàng nội địa của các nước này trở nên rẻ hơn tương đối so với hàng nhập khẩu. Thành ra Hoa Sen không thể tăng giá bán tại những thị trường này để duy trì khả năng cạnh tranh.

 

Trong khi đó, sản lượng của ngành kinh doanh tôn thép phụ thuộc khá lớn vào yếu tố mùa vụ. Từ tháng 3 trở đi là mùa xây dựng nhiều. Nhưng từ tháng 5 đến tháng 11, nhu cầu tôn thép tại giảm mạnh, do thời gian này mưa nhiều nên xây dựng ít hơn. Vì niên độ tài chính của Hoa Sen kết thúc vào cuối tháng 9 hằng năm nên xem ra mục tiêu lợi nhuận như kế hoạch đề ra là khó khả thi do mùa mưa kéo dài qua cả tháng 9.

 

Tuy nhiên, với lợi thế quy mô lớn, thương hiệu uy tín cùng sự mở rộng đồng bộ về công suất nhà máy và hệ thống phân phối trong năm 2014, triển vọng của Tập đoàn trong trung và dài hạn là khá lạc quan.

 

Hoa Sen là doanh nghiệp đứng thứ hai về hệ thống dây chuyền thép cán nguội tại Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn đã đưa vào vận hành 4 dây chuyền thép cán nguội với tổng công suất 800.000 tấn/năm và dự kiến sẽ đưa vào vận hành dây chuyền tiếp theo từ tháng 9 năm nay, nâng tổng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Nhờ có dây chuyền này, Hoa Sen sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí (do không phải thuê ngoài gia công thép cán nguội nữa) cũng như chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong số các nhà máy tôn mạ tại Việt Nam, hiện chỉ có Hoa Sen, Thép Nam Kim và Công ty Đại Thiên Lộc có dây chuyền cán nguội, nhưng nhà máy của Hoa Sen có công suất lớn nhất.

 

Ngoài ra, từ đầu năm nay, Tập đoàn cũng đã đưa vào vận hành thêm một số dây chuyền sản xuất khác như dây chuyền mạ tôn kẽm dày/tôn lạnh dày với công suất 400.000 tấn/năm và dây chuyền mạ phủ màu với công suất 150.000 tấn/năm. Hoa Sen hiện cũng là doanh nghiệp tôn mạ có hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam với 123 chi nhánh và 5 tổng kho.

 

Sự cộng hưởng của những yếu tố này giúp Tập đoàn tiết giảm chi phí, cải thiện năng lực cạnh tranh. Do đó, dù lợi nhuận ròng có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng “cánh chim đầu đàn” trong ngành tôn mạ này vẫn được xem là điểm đến an toàn của nhiều nhà đầu tư.

Theo Hoàng Điền

Nhịp cầu Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *