Tiêu Dùng 31/05/2014 11:20

Áp trần giá sữa: Nếu không quyết liệt thì người dân vẫn còn phải lo!

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc bình ổn giá sữa đã được nói nhiều lần và qua nhiều năm thực hiện. Đây là việc cũ nhưng lần này nếu các cơ quan chức năng không có sự quyết tâm, làm quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ hơn thì giá sữa vẫn sẽ khiến người tiêu dùng thêm lo lắng.

Liên quan đến việc Bộ Tài chính áp trần giá sữa, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
Từ ngày 1.6, Bộ Tài chính sẽ áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để bình ổn giá. Ông có nhận xét gì về động thái này?
Trên thực tế, việc áp trần giá sữa không đơn giản. Nguyên nhân là do các sản phẩm sữa hiện nay trên thị trường đều rất đa dạng và mỗi hãng sữa, tùy vào thị trường của mỗi nước sẽ có một tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ riêng. Vì vậy, giá của các dòng sản phẩm sữa có thể rất khác nhau.
Còn các doanh nghiệp sữa ở nước ta hiện nay phụ thuộc 70% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chính điều đó đã tạo nên quá trình từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng bán trên thị trường có sự khác nhau. Chỉ cần thêm, bớt thành phần là tính chất sữa thay đổi và cũng kéo theo sự thay đổi về giá.
Như vậy, việc lấy sản phẩm của doanh nghiệp này đem ra so sánh với doanh nghiệp kia là không dễ. Và chi phí thực của sản phẩm thì chỉ có doanh nghiệp đó mới biết được.
Như ông vừa phân tích, việc áp trần giá sữa không đơn giản, vậy liệu quyết định này có tính khả thi?
Theo tôi, muốn khả thi thì thứ nhất, biện pháp áp trần giá sữa cần phải sát với giá thị trường. Có nghĩa là mức giá đưa ra phải bù đắp được chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có mức lãi hợp lý.
Thứ hai, cần phải đảm bảo tính hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người tiêu dùng.
Và thứ ba là không cố định khoảng thời gian cụ thể mà cần thay đổi khi có sự biến động của các yếu tố hình thành giá sữa.
Muốn làm được những điều này thì Bộ Tài chính cần phải tính toán được giá thành thực sự khi các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng sữa. Đó là những chi phí thực tế, chi phí hợp lý và bao gồm cả chi phí quảng cáo, cũng như chiết khấu cho các đại lý. 
Nếu các doanh nghiệp sữa dùng những chiêu trò như thay đổi mẫu mã, tên gọi của sản phẩm để tránh việc bị kiểm soát bởi giá trần thì cơ quan quản lý có thể yêu cầu doanh nghiệp giải trình cụ thể về chi phí của sản phẩm mới và so với sản phẩm cũ. 
Nhìn lại công tác quản lý giá sữa trong thời gian vừa qua thì không phải chỉ khi người tiêu dùng bức xúc, truyền thông, dư luận xã hội lên tiếng và có chỉ đạo của Thủ tướng thì cơ quan quản lý giá mới bắt đầu vào cuộc. Việc bình ổn giá sữa đã được nói nhiều lần và qua nhiều năm thực hiện. Đây là việc cũ nhưng lần này nếu các cơ quan chức năng không có sự quyết tâm, làm quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ hơn thì giá sữa vẫn sẽ khiến người tiêu dùng thêm lo lắng.
Khi áp trần giá sữa, theo ông người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi ích gì?
Tôi cho rằng việc áp trần giá sữa được rất nhiều người kỳ vọng sẽ ổn định được thị trường sữa, nhưng cũng không nên kỳ vọng quá mức.
Như tôi đã phân tích ở trên, muốn biện pháp này khả thi thì chúng ta cần phải kết hợp với nhiều biện pháp khác nữa. 
Khi áp trần giá sữa thì người tiêu dùng được hưởng lợi, có thể mua với giá rẻ hơn. Đối với các doanh nghiệp sữa cũng phải luôn phấn đấu, giảm bớt các chi phí cho kinh doanh, quảng cáo để hạ thấp hơn mức giá trần nhằm bán được nhiều sản phẩm. Biện pháp này cũng khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, mặt trái của việc này là nếu xác định sai giá trần thì doanh nghiệp sẽ không có lãi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải ngừng trệ, tạo nên cơn sốt vì thiếu hoặc không còn sản phẩm sữa để phục vụ người tiêu dùng.
Ngoài biện pháp áp trần giá sữa, theo ông liệu có biện pháp nào khác mang tính khả thi hơn?
Tôi cho rằng tại sao chúng ta không dùng biện pháp định giá cụ thể, hay khung giá, giá tối thiểu đối với mặt hàng sữa, mà lại áp dụng giá trần? 
Bởi vì theo nguyên tắc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường là nếu thị trường cạnh tranh thì thị trường cũng quyết định giá bán. Còn nhà nước chỉ nên áp dụng những biện pháp gián tiếp để điều tiết, bình ổn giá cả. Còn nếu như hàng hóa thuộc thị trường độc quyền, thì khi đó nhà nước mới định giá cụ thể hay khung giá.
Đối với các mặt hàng thuộc độc quyền nhóm hay giữ vị trí thống lĩnh thị trường như các mặt hàng sữa hiện nay thì nhà nước phải định mức giá tối đa, tức là giá trần đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán và giá tối thiểu, nghĩa là giá sàn đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mua.
Tuy nhiên, việc tạo ra một thị trường cạnh tranh thật sự để các bà mẹ ông bố có quyền chọn sữa rẻ và chất lượng mới là giải pháp căn cơ nhất.
Xin cảm ơn ông? 

Theo Duyên Duyên

Một thế giới 

 
 
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *