Doanh nghiệp 31/07/2018 10:59

Sếp dệt may Vinatex nói gì trước nỗi lo từ tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng năm 2018 sẽ chưa có ảnh hưởng với Việt Nam từ tác động cuộc chiến thương mại này bởi các doanh nghiệp đã ký hợp đồng đến hết năm. Nếu gói trừng phạt 200 tỷ USD được Mỹ thực hiện trong tháng 8 thì năm 2019 xuất khẩu của tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng. 

 Năm 2018 sẽ chưa có ảnh hưởng với ngành dệt may Việt Nam từ tác động cuộc chiến thương mại.

Tại buổi họp về kết quả sản kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết tính đến thời điểm này, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam.

Tiếp đến là các thị trường EU, Hàn Quốc... Do vậy, Việt Nam vẫn đang theo dõi tình hình và sẽ cần thêm thời gian để trả lời chính xác mức tác động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như thế nào. Hiện trong gói áp thuế 50 tỷ USD đầu tiên của Mỹ chưa có mặt hàng dệt may.

Tuy nhiên theo vị này, gói trừng phạt 200 tỷ USD dự kiến áp dụng cuối tháng 8 này thì sẽ có hàng dệt may nhưng không phải tất cả các mặt hàng. Với tình hình này, Trung Quốc sẽ tìm các bạn hàng mới, giảm giá thành sản phẩm để bù đắp việc giảm 10% doanh thu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt thuế và sẽ khiến cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Phía Mỹ cũng vậy.

Ông Hiếu cho rằng năm 2018 sẽ chưa có ảnh hưởng với Việt Nam từ tác động cuộc chiến thương mại này bởi các doanh nghiệp đã ký hợp đồng đến hết năm. Nếu gói trừng phạt 200 tỷ USD được Mỹ thực hiện trong tháng 8 thì năm 2019 xuất khẩu của tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng. 

Vị này cũng thông tin, trong danh sách 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Mỹ, có 5 mặt hàng chúng ta có thế mạnh là vải canvas, vảo mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE.
 “Nếu gói trừng phạt số hai của Mỹ được áp dụng từ tháng 8 tới, các mặt hàng trên của Việt Nam sẽ có lợi thế và cơ hội. Tuy nhiên, thị phần của dệt may Việt Nam trên thế giới rất nhỏ nên cũng không có thể nói trước được nhiều”, ông Hiếu cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, ông Hiếu cho biết tính đến hết tháng 6/2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Vinatex đạt 20.515 tỷ đồng bằng 45,9% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng doanh thu đạt 22.365 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT) đạt 46,3% kế hoạch năm 2018 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tính đủ đạt 1.306,6 triệu USD, bằng 43,8% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận trước thuế (hợp cộng) đạt 674 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch năm 2018, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Về lĩnh vực đầu tư, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn thực hiện 25 dự án đầu tư. Ngoài ra, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn cũng đã triển khai 25 dự án.

Còn trong 6 tháng cuối năm 2018, Tập đoàn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển chuỗi Trung tâm Thời trang Vinatex, các dự án do Tập đoàn trực tiếp đầu tư, quản lý, cũng như xây dựng các kế hoạch trước những diễn biến phức tạp của thị trường dệt may thế giới.
 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *