Doanh nghiệp 29/01/2023 18:55

Phước Hòa lãi khủng nhờ khoản đền bù đất

CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022 với kết quả kinh doanh vượt trội. Tuy doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh số đạt 1,711.77 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ nhưng đã cán đích với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 89%.

(Nguồn: PHR - Biểu đồ: Dương Hoàng).

Theo doanh nghiệp, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm so với năm 2021 đến từ yếu tố giảm giá cao su. Trong năm 2021, giá cao su thiên nhiên thế giới đã luôn giữ ở mức cao từ 1.600 USD đến 1.800 USD/tấn và đã gần cán mốc 2.000 USD/tấn trước khi giảm về vùng 1.400 USD /tấn vào cuối năm 2022.

Sự sụt giảm này chủ yếu bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ găng tay y tế giảm khi dịch Covid-19 toàn thế giới đã được kiểm soát tốt. Hiện Việt Nam chỉ cung cấp 6% trong tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, trong khi con số này ở nước láng giềng Thái Lan là 30%, chính vì không nắm sản lượng cung ứng đủ lớn nên giá bán cao su thiên nhiên của doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào giá cao su thế giới.

(Nguồn: Trading Economics).

Trong năm 2022, giá trị tiền gửi ngân hàng của Phước Hòa đã tăng hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp lại giảm hơn 50 tỷ đồng do khoản cổ tức nhận được từ công ty liên kết CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC) giảm từ 14.000 đồng/cổ phiếu xuống 7.000 đồng/cổ phiếu.

Với việc doanh thu thuần và tài chính giảm trong khi các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Phước Hòa tiếp tục giữ ổn định trong năm vừa rồi, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Phước Hòa giảm 24% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế đã tăng đột biến nhờ khoản thu từ đền bù thực hiện dự án VSIP III tại xã Tân Lập, tỉnh Bình Dương. Khoản bồi thường này do Phước Hòa nhượng lô đất diện tích 691ha thuộc Nông trường cao su Hội Nghĩa, tổng số tiền được đền bù được phân bổ vào năm 2021 và 2022 là 898,3 tỷ đồng.

Do mảng trồng cao su có lợi ích kinh tế thấp và thời gian kiến thiết cơ bản lên tới 7-8 năm, trong các năm vừa rồi, xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cao su sang phát triển khu công nghiệp là động lực chính giúp nâng biên lợi nhuận của công ty. Điều này có thể thấy ở biên lợi nhuận ròng khi loại bỏ khoản đền bù từ nhượng đất khu công nghiệp đã tăng đáng kể kể từ năm 2014 tới nay, bất chấp yếu tố giá cao su giảm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận một số giai đoạn.

(Nguồn: PHR - Biểu đồ: Dương Hoàng).

Trong các năm tới, xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cao su sang phát triển khu công nghiệp sẽ là động lực chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của Phước Hòa. Hiện công ty sở hữu hơn 20.000ha đất công nghiệp trong và ngoài nước. Ở giai đoạn 2020 - 2025, doanh nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai mở rộng 4 dự án khu công nghiệp, thực hiện mục tiêu chuyển đổi 5.600ha sang khu công nghiệp tại Bình Dương, bao gồm 4 nghìn ha tự phát triển và 1.000ha chuyển nhượng đất, lấy tiền đền bù.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *