Doanh nghiệp 30/09/2021 10:03

Ông chủ Evergrande: Từ đỉnh cao giàu nhất châu Á đến vực sâu sụp đổ

Từng là người giàu nhất châu Á, giờ đây, Hứa Gia Ấn - ông chủ của Evergrande đã mất 73% giá trị tài sản. Chắc chắn tài sản của ông sẽ còn "bốc hơi" hơn nữa khi "bom nợ" 305 tỷ USD vẫn treo lơ lửng.

Hứa Gia Ấn - người sáng lập của Tập đoàn China Evergrande - từng tích lũy được khối tài sản trị giá 42,5 tỷ USD, trở thành người giàu nhất châu Á. Nhưng giờ đây, 73% giá trị tài sản khổng lồ đó đã bốc hơi và chắc chắn ông trùm này sẽ còn mất nhiều hơn nữa khi các chủ nợ, nhà cung cấp và cả những người mua nhà lo lắng đến vây trụ sở của Evergrande.

Nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc đang vật lộn với khối nợ phải trả lên đến 305 tỷ USD trong khi tiền mặt và các khoản tương đương chỉ có 13,4 tỷ USD.

Điều đó khiến nhiều người tự hỏi làm thế nào mà công ty này lại nợ nần lớn như vậy, nhưng đó chưa phải là tất cả. Evergrande không chỉ vay từ các ngân hàng, công ty tín thác và trái chủ mà còn từ nhân viên công ty và cả ngoài xã hội.

Ông chủ Evergrande: Từ đỉnh cao giàu nhất châu Á đến vực sâu sụp đổ - 1

Nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc hiện đang vật lộn với khối nợ phải trả lên đến 305 tỷ USD trong khi tiền mặt và các khoản tương đương chỉ có 13,4 tỷ USD (Ảnh: Reuters).

 Hứa Gia Ấn, thuyền trưởng "tàu nợ" Evergrande

Ông Hứa Gia Ấn (Hui Xu Jiayin) là người góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Ông sinh năm 1958, trong một gia đình nghèo ở tính Hà Nam. Khi chưa tròn một tuổi, Hứa đã mất mẹ và được bà nuôi dưỡng. Từ khi còn nhỏ, ông Hứa phải giúp gia đình bán giấm và củi ở chợ. Ông thường phải ăn khoai tây đỏ và bánh hấp vì đó là thức ăn duy nhất của ông thời điểm đó.

Ông chủ Evergrande: Từ đỉnh cao giàu nhất châu Á đến vực sâu sụp đổ - 2

Ông Hứa Gia Ấn là người góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua (Ảnh: Photo/IC).

Năm 1982, ông tốt nghiệp Đại học Giang Thép Vũ Hán và tìm việc tại một nhà máy thép ở địa phương. Năm 1992, ông quyết định đến Thâm Quyến và làm việc cho một công ty thương mại. Nhưng cuối cùng ông đã tìm thấy niềm đam mê của mình trong lĩnh vực bất động sản.

Năm 1997, ông Hứa thành lập Evergrande tại Quảng Châu. Từ đó, công ty đã nhanh chóng mở rộng. Gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ của chính phủ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã giúp Evergrande có nguồn vốn dồi dào.

Các nhà phát triển bất động sản thường đi vay với chi phí thấp để xây dựng các căn hộ và thúc đẩy giá đất tăng mạnh. Các nhà phân tích cho rằng, ông Hứa có lẽ là người quyết liệt nhất trong giới bất động sản. Ông khai thác mọi kênh miễn huy động được tiền, từ trái phiếu và các khoản vay ngân hàng cho đến phát hành các sản phẩm quản lý tài sản thông qua các bên thứ 3 như các công ty tín thác.

Nhà phân tích Zhou của Lucror Analystics cho rằng, ông trùm này có thể bị thúc đẩy bởi niềm tin rằng giá bất động sản ở Trung Quốc sẽ còn tăng cao vì vậy ông có thể đủ tiền để trả lãi.

Năm 2017, ông Hứa Gia Ấn trở thành người giàu nhất Trung Quốc, đồng thời giàu nhất châu Á với tài sản ròng lên đến 42,5 tỷ USD khi cổ phiếu 3333 của Evergrande tăng vọt ở Hồng Kông. Một phần của khối tài sản của ông là từ cổ tức hậu hĩnh được Evergrande chi trả khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2009.

Ông chủ Evergrande: Từ đỉnh cao giàu nhất châu Á đến vực sâu sụp đổ - 3

Ông Hứa trả lời báo chí tại sự kiện Evergrande niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông tháng 11/2009 (Ảnh: Forbes). 

Theo ước tính của Forbes, ông Hứa đã bỏ túi tổng cộng 8 tỷ USD tiền cổ tức từ 10,2 tỷ cổ phiếu mà ông nắm giữ. Điều đó khiến ông vẫn giàu hơn so với hầu hết các tỷ phú Trung Quốc ngay cả khi Evergrande sụp đổ.

Trong những năm qua, nhà tài phiệt này cũng mở rộng Tập đoàn Evergrande sang các lĩnh vực khác ngoài bất động sản như bóng đá chuyên nghiệp, tấm pin mặt trời, nước khoáng, ô tô điện và công viên giải trí… Hiện Evergrande được cho sẽ bán lãi một số đơn vị niêm yết để trang trải nợ nần.

Cổ phần của ông Hứa tại Evergrande đã tăng khoảng 80% trong năm nay và khoảng 9% khác được kiểm soát bởi cộng sự kinh doanh lâu năm của ông là vợ chồng ông Joseph Lau. Do đó bất kỳ lúc nào có tình trạng bán tháo cổ phiếu Evergrande, những người bạn giàu có của ông Hứa sẽ vào cuộc mua thêm cổ phiếu hoặc tài sản từ các đơn vị kinh doanh khác nhau của ông.

Không phải đến bây giờ Evergrande mới đứng bên bờ vực sụp đổ. Cơ quan quản lý thị trường Hồng Kông đã từng cứu công ty này một lần. Đó là năm 2016, khi Citron Research cáo buộc Evergrande đã bị vỡ nợ và đưa thông tin gian lận trong một báo cáo năm 2012 nhưng tòa án Hồng Kông đã bác bỏ. Người sáng lập của Citron Research là Andrew Left khi đó đã bị cấm giao dịch tại các thị trường Hồng Kông. Nhưng giờ đây, trong một email gửi tới Forbes Asia, ông Left cho rằng ông đang cảm thấy được minh oan.

Ông chủ Evergrande: Từ đỉnh cao giàu nhất châu Á đến vực sâu sụp đổ - 4

Ông Hứa hiện đang giữ một ghế trong Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Ảnh: VCG/Getty).

Trong khi đó, nhà tài phiệt họ Hứa đã tiếp tục lái câu chuyện sang các vấn đề khác, bao gồm việc thuyết phục các nhà đầu tư chiến lược từ bỏ khoản hoàn trả 13 tỷ USD trong năm ngoái. Hơn nữa, các mối quan hệ của ông Hứa không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh doanh. Ông Hứa hiện đang giữ một ghế trong Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Hồi tháng 7 năm nay, người ta vẫn thấy ông Hứa tạo dáng ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong bữa tiệc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, mặc dù chuyến đi đến thủ đô của ông dường như chưa đủ để cứu Evergrande.

"Từ quan điểm chiến lược, ông Hứa đã đánh giá sai về những hạn chế của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản", Zhou nói và cho rằng: "Kinh nghiệm và thành công đã qua của ông khiến ông trở nên hiếu chiến. Toàn bộ công ty hiện chỉ có thể đặt cược vào sự tăng giá liên tục của giá nhà đất".

"Bom nợ" 300 tỷ USD vẫn treo lơ lửng

Theo ước tính của tạp chí tài chính Trung Quốc Caixin, Evergrande hiện có khoản nợ nằm ngoài bảng cân đối kế toán lên tới 6,2 tỷ USD, bao gồm các sản phẩm quản lý được bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Một trong số đó là Liz, 35 tuổi, một nhân viên thuộc một chi nhánh của Evergrande tại tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.

"Evergrande là công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500 phải không?", cô đề cập đến bảng xếp hạng những công ty lớn nhất thế giới và cho biết: "Tôi có một người bạn đã làm việc ở Evergrande và đã đầu tư 500.000 nhân dân tệ (77.000 USD) vào đây. Cô ấy nói với tôi rằng đầu tư vào đây sẽ không có vấn đề gì".

Liz cho biết, trong năm qua, cô đã mua các sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande trị giá 350.000 nhân dân tệ với lợi nhuận hàng năm được hứa hẹn là 7,5%.

Evergrande nói với cô rằng một phần số tiền thu được sẽ tài trợ cho mảng xe điện của công ty. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh này hiện cũng đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Đơn vị xe điện của Evergrande gần đây đã cảnh báo về tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng và nói rằng họ sẽ tạm ngừng thanh toán một số chi phí hoạt động.

Liz nói rằng, cuối năm ngoái, cô đã nhận lại được 100.000 nhân dân tệ tiền gốc và tiền lãi từ khoản đầu tư của mình, nhưng số còn lại phải đến tháng 1/2022 mới đến hạn. Giờ đây, với cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande, cô lo lắng sẽ không bao giờ nhận lại được số tiền mình đã đầu tư vào đây.

Evergrande thừa nhận với Forbes về những thực trạng của mình nhưng không phản hồi gì thêm. Trong khi đó, theo Reuters, cơ quan quản lý tài chính Thâm Quyến hiện đang điều tra đơn vị quản lý tài sản của Evergrande theo yêu cầu từ các nhà đầu tư.

"Bom nợ" Evergrande đang gây rúng động trên thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư không chỉ muốn rút tiền khỏi Evergrande mà còn bán tháo cổ phiếu của nhà phát triển niêm yết ở sàn chứng khoán Hồng Kông. Bởi họ lo ngại sự sụp đổ của Evergrande có thể lây lan sang hệ thống tài chính Trung Quốc khi bất động sản chiếm ít nhất 1/4 GDP nước này.

Liệu ông Hứa, người đang có khối tài sản trị giá 11,5 tỷ USD chủ yếu dựa vào 8 tỷ USD cổ tức từ Evergrande kể từ khi công ty này IPO năm 2009, có phải chịu trách nhiệm cá nhân cho khoản lỗ khổng lồ này hay không. Điều đó còn phụ thuộc vào sự chèo lái của ông để dọn dẹp mớ hỗn độn này, ông Joseph Fan - giáo sư tài chính của Đại học Trung Hoa Hồng Kông cho hay.

Ông chủ Evergrande: Từ đỉnh cao giàu nhất châu Á đến vực sâu sụp đổ - 5

Forbes ước tính tài sản của ông Hứa Gia Ấn từ năm 2011 đến ngày 28/9.

Evergrande đã phát hành trái phiếu bằng đồng USD ra nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài và các trái chủ dường như không phải là ưu tiên trả nợ cao nhất của ông Hứa. Cho đến nay, Evergrande vẫn chưa có một thông báo công khai nào về việc họ có trả khoản tiền lãi trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD đã đến hạn hôm 23/9 hay không. Sự im lặng này của Evergrande càng khiến thị trường bồn chồn lo lắng.

Nhà phân tích Iris Chen của Nomura dự báo, các trái chủ nước ngoài đang chuẩn bị cho khoản lỗ dự kiến lên đến 75%. Evergrande có thời hạn 30 ngày trước khi chính thức vỡ nợ đối với loại trái phiếu đồng USD.

Nhưng có lẽ ông Hứa phải ưu tiên trả nợ cho khoảng 1,5 triệu khách mua nhà trước. Họ là những người đã đặt cọc hoặc thanh toán đầy đủ cho những ngôi nhà tại các dự án của công ty vẫn đang dở dang trên khắp Trung Quốc.

Với cam kết giảm bất bình đẳng thu nhập và đạt được "sự thịnh vượng chung", các quan chức Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích cho người dân bình thường. Một gói cứu trợ trực tiếp đối với Evergrande sẽ là mâu thuẫn với mục tiêu thắt chặt nguồn vốn và kiểm soát thị trường bất động sản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã lạm dụng vốn vay, sử dụng đòn bẩy khiến nợ chính thức trên tỷ lệ GDP tăng lên gần 45% trong 5 năm qua.

Ông chủ Evergrande: Từ đỉnh cao giàu nhất châu Á đến vực sâu sụp đổ - 6

Evergrande hiện có 1.300 dự án bất động sản tại 280 thành phố trên khắp Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng muốn khẳng định rằng không một công ty nào, ngay cả đó là một nhà phát triển bất động sản quan trọng về mặt hệ thống như Evergrande, được cho là "too big too fail" (đại ý là quá lớn nên nhà nước sẽ cứu để tránh sự sụp đổ mang tính dây chuyền - PV).

Các nhà phân tích cho rằng, như một phần của quá trình tái cơ cấu công ty, chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương hỗ trợ Evergrande hoàn thiện các dự án dở dang, hay các ngân hàng sẽ gia hạn các khoản vay và đàm phán lại thời hạn trả nợ với Evergrande….

Tuy nhiên, các nhà quản lý nước này cho biết, họ đang thắt chặt giám sát các tài khoản ngân hàng của Evergrande để đảm bảo số tiền còn lại này được dùng để hoàn thành các dự án nhà ở dở dang, chứ không phải để trả nợ cho các chủ nợ.

Zhu Ning, giáo sư tài chính kiêm phó trưởng Viện Tài chính cao cấp Thượng Hải tại Đại học Giao Thông Thượng Hải, cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể chính thức công bố một giải pháp "rất sớm", có thể ngay sau kỳ nghỉ Quốc khách vào tháng 10.

Nhưng quan điểm về việc giải quyết đống nợ của Evergrande vẫn còn trái ngược nhau. Zhou Chuanyi - nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics Singapore - nhận thấy các doanh nghiệp nhà nước không sẵn sàng tham gia và giải cứu các dự án đang xây dựng dở dang của Evergrande. Điều này một phần là do chất lượng tài sản thấp mà Evergrande đã thể hiện trên sổ sách hiện nay. Ít nhất một nửa số dự án của nhà phát triển này nằm ở các thành phố hạng 3 và hạng 4 của Trung Quốc. Đây là những khu vực tương đối xa, khó đảm bảo được khả năng thanh toán. Hơn nữa, một loạt biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản gần đây của Trung Quốc đã ngăn chặn đà tăng của giá nhà mới.

"Không nhiều người muốn mua nhà hay đất ở những thành phố hạng 3 và hạng 4", Zhou nói và cho rằng: "Có thể doanh nghiệp nhà nước sẽ không thể tiếp quản toàn bộ các dự án dở dang của Evergrande, nhưng họ có thể tiếp quản một số dự án".

Nhật Linh
Theo Forbes

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *