Nguyên Liệu 03/06/2014 06:54

Vì sao năng suất cao nhất thế giới, thu nhập nông dân lại thấp?

FICA - “Cho đến nay, chúng ta trở thành nước xuất khẩu của 7 loại sản phẩm, đứng từ thứ 1 đến thứ 5 trên thế giới. Nhưng vì sao năng suất nhiều cây, con thuộc loại cao nhất thế

Bày tỏ ý kiến của mình về thực trạng và thành tựu của lĩnh vực nông nghiệp tại phiên họp 2/6, ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội Bắc Giang, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu của 7 loại sản phẩm, đứng từ thứ 1 đến thứ 5 trên thế giới với thứ nhất là hạt tiêu, cà phê đứng thứ 2, điều đứng thứ hai thế giới, gạo đứng thứ ba thế giới, cao su đứng thứ ba thế giới, thủy sản đứng thứ ba thế giới và trà đứng thứ 5 thế giới.

Hay như con cá tra, năng suất bình quân thế giới là 38 tấn/ha, cá của Việt Nam là 271 tấn/ha, gấp 7 lần năng suất thế giới; với tiêu, năng suất bình quân của Đông Nam Á là 1,11 tấn/ha thì chúng ta là 3,22 tấn, tức gấp 2,83 lần… “Có 12 sản phẩm chúng ta cao hơn những vùng có năng suất cao nhất thế giới. Nhưng vì sao năng suất nhiều cây, con thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng thu nhập của nông dân thì thấp. Nếu nói rằng năng suất thấp, thu nhập thấp thì không phải, đây là năng suất cao mà thu nhập vẫn thấp. Vậy lời giải ở chỗ nào?”, ông Nhân đặt câu hỏi.

Đánh giá về tốc độ tăng của nông nghiệp, ông Nhân cho rằng, có “xu hướng giảm dần”. Tốc độ tăng của nông nghiệp giai đoạn 2005 trên 4%, giai đoạn 2005 - 2011 đạt 3,5% nhưng 2 năm gần đây chỉ đạt khoảng 2,6%. Nếu không có giải pháp đổi mới, đột phá thì xu hướng vượt 3%/năm rất khó.

“Muốn đẩy mạnh nông nghiệp, không phải hỏi người nông dân, năng suất cao, làm tốt nữa, mà phải xem trước nông dân là thế nào và sau nông dân là thế nào. Tức là nông nghiệp thì khác nông dân, việc cung cấp yếu tố đầu vào cho nông dân hầu như không có cuộc cách mạng, vẫn như cũ, vẫn cung cấp nhỏ lẻ, vẫn phân tán. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng không có cuộc cách mạng, vẫn nông dân bán các khâu trung gian, khâu trung gian mua lại, bán tiếp, người nông dân không được hỗ trợ ở khâu trước và khâu sau”, ông Nhân thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, chúng ta thu nhập cá tra một năm là 7.420 tỷ, với 10.000 ha nuôi cá.

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Thiện Nhân “hiến kế” cho ngành nông nghiệp các giải pháp về quy hoạch, về đầu ra và giải pháp đầu vào.

Về vấn đề quy hoạch, ông Nhân cho biết, cần quy hoạch những cây con mà Việt Nam có lợi thế so sánh kép. Lợi thế so sánh kép là năng suất so với thế giới chỉ cao và cao nhất nhưng thu nhập trong nước so với trồng lúa cũng vào loại cao, nếu có lợi thế kép này thì người trồng sẽ khá yên tâm.

Cũng theo ông Nhân, giải pháp thứ hai quy hoạch là nội địa hóa các đầu vào cung cấp cho nông nghiệp. Nội địa hóa sẽ làm tăng thu nhập cho toàn bộ người Việt Nam và chủ động hóa khâu sản xuất. Ông Nhân nêu lên các ví dụ. Hiện nay, chúng ta thu nhập cá tra một năm là 7.420 tỷ, với 10.000 ha nuôi cá. Như vậy, thu nhập nuôi cá tra lớn hơn thu nhập của toàn bộ chè và điều của cả nước (điều và chè là 6.300 tỷ; diện tích trồng 2 loại cây này là 430.000 héc ta, gấp 43 lần diện tích cá tra). Tuy nhiên với cá tra thì 84% chi phí con cá tra là thức ăn.

“Điều này đặt ra, nếu chúng ta sản xuất thức ăn cho cá tra ở  trong nước sẽ hình thành một ngành công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp, thức ăn cho cá tra rất đáng quan tâm. Chúng tôi có tính toán thấy thức ăn cá tra một năm tiêu thụ là 5.500 tỷ, lớn hơn cả thu nhập của cả nước là 4.200 tỷ. Chúng ta sản xuất cái này vừa chủ động và giảm chi phí cá tra và tạo thêm một ngành thu nhập rất quan trọng, công nghiệp phụ trợ cho ngành nông nghiệp”, ông Nhân gợi ý.

Ví dụ thứ hai, theo ông Nhân, năm vừa rồi Việt Nam nhập 2,2 triệu tấn ngô, giá trị 670 triệu USD và đậu tương là 1,4 triệu tấn, giá trị 830 USD. “Một nước nông nghiệp có nhiều cây, con năng suất cao nhưng nhập khẩu! Nếu chúng ta quy hoạch vùng đất và cải tạo giống để nâng cao năng suất ngô và đậu tương thì có thể giảm được nhập khẩu 1,5 tỷ USD và tạo thêm việc làm cho ngành nông nghiệp rất tốt”, ông Nhân cho hay.

Nhấn mạnh hơn tới những tồn tại của ngành nông nghiệp, ông Nhân cho rằng: Lâu nay, chúng ta rất lo trồng xong, nuôi xong bán cho ai, nếu bán ra chợ làng rất khó khăn. Thực tế cho thấy muốn nông dân có thu nhập ổn định nên có cơ chế tiêu thụ với quy mô lớn, đồng bộ hoặc bao tiêu sản phẩm qua doanh nghiệp.

Mô hình thứ hai, theo ông Nhân, chính người nông dân góp vốn để hình thành các hợp tác xã, lo "đầu ra" cho mình, phải có một đơn vị chuyên tiêu thụ sản phẩm, không thể tiêu thụ của hàng trăm, hàng nghìn hộ gắn với kinh tế thị trường và xuất khẩu thị trường quốc tế.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần đổi mới công nghệ nuôi trồng và ứng dụng công nghệ mới để tạo năng suất cao. Về vốn cho nông nghiệp, vừa qua Chính phủ bắt đầu triển khai kết hợp giữa ngành ngân hàng và nông nghiệp, vốn cho từng loại cây, con phù hợp với chu kỳ tăng trưởng và quy mô sử dụng vốn.

Về “đầu ra”, ngoài tiêu thụ chung, ông Nhân đề xuất tới phương án bán sản phẩm nông nghiệp qua những giao dịch tập trung như chợ tập trung hoặc giao dịch sàn nông nghiệp.

Một biện pháp liên quan đến đầu ra, theo ông Nhân, đó là chúng ta phải công khai làm sao cho quốc tế hiểu được Việt Nam không có chủ trương và thực tế không bán phá giá, để không bị thuế bán phá giá. Hiện nay, chi phí lao động bình quân 1 giờ Việt Nam chỉ có 1 USD đến 1,5 USD, trong khi Mỹ 35 USD, Singapor 24 USD, Đài Loan 9,5 USD và ngay Trung Quốc 2,5 USD hoặc Phillipin 2,1 USD.

Nguyễn Hiền

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *