Doanh nghiệp 22/11/2020 22:50

Mỹ bật đèn xanh cho các chuyến bay trực tiếp từ Việt Nam

Hà Nội được hưởng lợi từ địa chính trị, trong bối cảnh được suy đoán rằng Việt Nam đang xem xét tham gia Thỏa thuận an ninh Bộ tứ - với Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - để tăng cường an ninh hàng hải của mình ở Biển Đông.

US green-lights direct flights from Vietnam

Tổng thống Mỹ Donald Trump, đứng giữa bên trái và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký kết giữa Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết, bên phải và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hãng máy bay thương mại Boeing Kevin McAllister, bên trái, tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào tháng 2 năm 2019, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Ảnh: AFP.

Một đường bay đã được chuẩn bị để dành cho chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ. Tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã cấp cho Hãng hàng không Việt Nam Bamboo Airways có trụ sở tại Hà Nội giấy phép vận chuyển hành khách và hàng hóa trên máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trực tiếp từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Mỹ.

Các chuyến bay này dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Hãng đã hy vọng sẽ triển khai các chuyến bay vào cuối năm nay, nhưng thời gian biểu của hãng đã bị lùi lại do đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Bước tiếp theo đối với hãng hàng không Bamboo Airways là xin giấy phép từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cục An ninh Vận tải và các cơ quan khác.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết Bamboo đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành của Mỹ. Hãng cũng đang cải thiện đội bay của mình và đào tạo các phi công, nhân viên về luật tiểu bang và liên bang cũng như các tình huống thị trường để chuẩn bị cho các chuyến bay thẳng.

Sau nhiều năm đàm phán, FAA cuối cùng đã cấp Xếp hạng Loại 1 cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam theo chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế vào tháng 2 năm 2019. Việc cấp xếp hàng của FAA chính là một giấy phép đảm bảo rằng Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn để khai thác các chuyến bay đến Mỹ.

Bamboo là hãng hàng không thứ hai của Việt Nam được phép bay thẳng đến Mỹ. Vào tháng 9 năm 2019, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã được thông quan để bay đến các sân bay quốc tế tại Mỹ. Tuy nhiên, ngoài bốn chuyến bay vào tháng 7 và tháng 8 để hồi hương công dân Mỹ thì hãng này vẫn chưa bắt đầu các chuyến bay thẳng đến Mỹ.

Các hãng hàng không phổ biến nhất bay từ Việt Nam đến Mỹ, thường phải có một điểm dừng, bao gồm Cathay Pacific, American Airlines và Qatar Airways.

Có một số điểm rút ra từ sự phát triển hàng không của Việt Nam. Đầu tiên đó chính là sự tăng trưởng liên tục của du lịch hàng không trước đại dịch giữa Việt Nam và Mỹ. Theo nhà cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu OGA, trong năm 2019, khoảng 1,5 triệu hành khách đã đi lại giữa hai quốc gia.

Về phần mình, người Mỹ nằm trong số những du khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều nhất, với 687.226 lượt vào năm ngoái, chủ yếu là do các yêu cầu về thị thực được đơn giản hóa. Năm 2018, khách du lịch Mỹ đã chi trung bình 3.233 USD/chuyến đi khi đến thăm Việt Nam.

Tuy nhiên, con số này, cũng như lượng khách du lịch từ các nước khác, đã giảm đáng kể từ đầu năm do đại dịch Covid-19, điều này đã gây ra những khó khăn về kinh tế trong nước, đặc biệt là tại các điểm nóng du lịch ven biển như Đà Nẵng và Nha Trang – những nơi vốn đã bắt đầu phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ du lịch.

Số người Việt Nam sinh sống ở Mỹ cũng rơi vào khoảng trên 2,1 triệu người, đây chính là một nguồn cung cấp ổn định cho nhu cầu đi lại giữa hai nước.

Trên góc độ địa chính trị, có thể thấy rằng khi Mỹ chấp thuận nhiều đường bay thẳng hơn giữa hai bên, ẩn sâu trong nền tảng này là một bước tiến trong quan hệ song phương giữa Washington và Hà Nội.

Bất chấp sự khác biệt rõ ràng về chính trị, ý thức hệ và lịch sử cũng như sự đối đầu nhau trong Chiến tranh Việt Nam, quan hệ giữa hai nước hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Sự mạnh lên của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến cho mối quan hệ liên kết của Mỹ với Việt Nam được củng cố nhiều hơn.

Washington đơn giản là đang cần sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông, một con đường thủy quan trọng - nơi khoảng 1/3 thương mại hàng hải toàn cầu trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm, bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan phụ thuộc vào hydrocarbon - tất cả đều là những đồng minh lâu năm của Mỹ.

Do đó, cái gọi là nhóm Quad, một liên minh bốn bên non trẻ giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, đang được thành lập để thắt chặt các mối quan hệ.

Nhóm các quốc gia này cũng quan tâm đến sự tham gia của Việt Nam để giúp họ thiết lập một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa nhập dựa trên điều mà nhóm cho là “bình đẳng, đa cực, và phù hợp với chuẩn mực luật pháp quốc tế”.

Thùy Dung

Theo Asia Nikkei

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *