Doanh nghiệp 18/08/2020 07:26

Ế tour vì Covid-19, giám đốc công ty du lịch đi... rót cà phê

Câu chuyện giám đốc công ty du lịch chuyển nghề mở quán cà phê, bán gạo, sản xuất khẩu trang để nuôi nhân viên và tồn tại là điều dễ thấy ở TPHCM, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát.

Giảm 90% nhân sự 

Anh Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty G.M (chuyên tổ chức tour du lịch quốc tế), cho biết công ty đã bị "hạ đo ván" từ khi dịch Covid-19 bùng phát. 

Trước dịch, công ty G.M có trên 70 nhân viên, mỗi nhân viên đều có lương và thưởng trên 20 triệu đồng/tháng. Từ tháng 3 tới nay, các du khách đi nước ngoài liên tục hủy chuyến khiến doanh thu công ty giảm sút nghiêm trọng. Anh Phương buộc phải cho nhân viên mảng quốc tế nghỉ việc vì không có việc làm. 

Ế tour vì Covid-19, giám đốc công ty du lịch đi... rót cà phê - 1

Anh Phương chấp nhận chuyển qua kinh doanh cà phê để lấy kinh phí nuôi công ty. 

"Thời điểm hiện tại chúng tôi chỉ còn khoảng 15 người là những cán bộ cốt cán. Để có thể giữ lại được những nhân viên này lâu dài, chúng tôi phải có quỹ lương nhất định. Tuy vậy, chúng tôi đã không còn một nguồn thu nào. Thời gian tới cũng sẽ rất khó khăn", anh Phương tâm sự. 

Anh Phương cho biết trong quý I, công ty bị giảm khoảng 90% doanh thu, quý II bị ảnh hưởng 80%. Không chỉ 4/5 nhân sự của công ty bị ảnh hưởng, những nhân sự đang làm việc cũng bị giảm lương từ 20 - 37% lương. Các khoản hoa hồng, lợi nhuận gần như không có khiến các nhân viên cũng rất khó khăn để duy trì cuộc sống ổn định. 

Ế tour vì Covid-19, giám đốc công ty du lịch đi... rót cà phê - 2

Quán cà phê cũng là nguồn thu nhập giúp anh giữ chân nhân viên. 

Cũng giống như anh Phương, công ty M.T.M (trụ sở tại quận Bình Thạnh) cũng cho biết đã cho 120/150 nhân viên nghỉ việc từ tháng 3. Các nhân sự còn lại của công ty cũng chỉ có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

"Khó khăn ai cũng thấy và mọi người đều phải chấp nhận. Cho 1 nhân viên nghỉ việc là đang một tay ngăn chặn sự phát triển của công ty. Ai là người đứng đầu công ty cũng xót xa nhưng thực sự đối với các công ty du lịch quốc tế thì không còn cách nào khác", anh Nguyễn Hồng Ân - Giám đốc công ty M.T.M cho hay.

Ế tour vì Covid-19, giám đốc công ty du lịch đi... rót cà phê - 3

Ông Long cho biết công ty đã phải cắt giảm 90% nhân sự vì dịch Covid-19.

Đồng tâm trạng như anh Ân, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông DLV, cho biết, gần 500 nhân viên công ty DLV phải nghỉ làm vì dịch Covid-19. Trong gần 20 năm làm trong lĩnh vực du lịch chưa khi nào công ty rơi vào tình trạng khó khăn như bây giờ.

"Khi dịch trở lại lần thứ 2, công ty DLV không còn đường nào để tiến nữa. 90% nhân viên phải nghỉ làm vì không có việc, công ty không có nguồn thu. Lúc đó chúng tôi rất buồn, chúng tôi không biết làm gì để an ủi nhau. Có lúc công ty đã rất khó khăn và chúng tôi đã nghĩ đến việc đóng cửa công ty", ông Long tâm sự.

Ế tour vì Covid-19, giám đốc công ty du lịch đi... rót cà phê - 4

Anh Phương chấp nhận chuyển sang kinh doanh quán cà phê vì đây là công việc có lợi nhuận ở thời điểm hiện tại. 

Chấp nhận đi... rót cà phê

Nguồn thu nhập từ tour du lịch không có, anh Phương chuyển sang kinh doanh online. Tuy vậy, công việc này cũng không có thu nhập tốt. 

"Từ tháng 6, chúng tôi đã chuyển qua bán cà phê. Từ một vị trí quản lý doanh nghiệp có 60 - 70 người, từ vị trí định hướng chiến lược giờ chuyển sang vị trí phải tự tay làm hết mọi công việc cũng là một sự thay đổi. Chúng tôi xem đây là một thử thách trong cuộc đời và chúng tôi sẽ phải vượt qua nó", anh Phương tâm sự. 

Vấn đề lớn nhất cũng chỉ là vấn đề tâm lý. "Chúng tôi nghĩ làm nghề gì cũng được miễn là lương thiện và kiếm ra thu nhập để lo cho cuộc sống của mình. Chúng tôi mới vượt qua được tâm lý đó và mở quán cà phê để kinh doanh với quy mô như bây giờ", anh Phương nêu rõ quan điểm.

Ế tour vì Covid-19, giám đốc công ty du lịch đi... rót cà phê - 5

Việc kinh doanh khẩu trang khiến anh Ân cũng gặp nhiều khó khăn vì cạnh tranh khốc liệt.

Cũng như anh Phương, anh Ân cũng phải chuyển qua bán mỹ phẩm. Một công việc lạ lẫm với một người làm du lịch hơn 20 năm. 

"Mình nhờ bạn bè hỗ trợ nên công việc cũng thuận lợi. Nhân viên sau khi nhận đơn hàng thì mình phân công nhau đi giao hàng. Các công ty đối tác mình cũng phải lựa chọn rất kỹ để đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao, có uy tín. Hơn 3 tháng qua, thu nhập từ kinh doanh mỹ phẩm cũng đủ để mình trả lương nhân viên", anh Ân chia sẻ.

Anh Ân cũng thử đầu tư khẩu trang, găng tay y tế nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân do có quá nhiều đối tác và việc tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang lúc này cũng khó khăn. 

Doanh nghiệp du lịch đầu tư trái ngành để mưu sinh. (Clip Nguyễn Quang)

"Chúng tôi đã ngồi với nhau rất nhiều ngày để tính toán làm sao tồn tại trong mùa dịch. Chúng tôi làm quyết định đi bán rau củ quả, đi bán gạo, bán nước mắm. Lúc này, rất nhiều người cười chê chúng tôi, đánh giá thấp chúng tôi nhưng chúng tôi tâm niệm phải vượt qua, phải tiếp tục đứng vững", ông Long chia sẻ.

Ế tour vì Covid-19, giám đốc công ty du lịch đi... rót cà phê - 6

Chuyển hướng đầu tư là cách để các doanh nghiệp du lịch tồn tại trong bối cảnh Covid-19

Thấy việc kinh doanh ngoài thuận lợi, ông Long đã quyết định đầu tư kinh doanh khẩu trang y tế. Đây là bước ngoặt giúp doanh nghiệp của ông có thể trụ vững đến thời điểm hiện tại. Nhờ đó, khoảng 50% nhân viên công ty DLV cũng đã được gọi đi làm trở lại.

"Hiện, chúng tôi đã có những nhà máy sản xuất khẩu trang và bây giờ công ty chúng tôi đã xuất khẩu được khẩu trang ra nước ngoài. 50% nhân viên của chúng tôi đã được quay lại làm việc. Nguồn thu nhập từ công việc kinh doanh ngoài đã cứu sống công ty", ông Long chia sẻ thêm.

Mong khách hàng chia sẻ với ngành du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, dịch Covid-19 đợt mới đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Dịch xuất hiện tại Đà Nẵng đã tác động đến tâm lý đi du lịch của người dân TPHCM, nhiều người lo lắng đã hủy hàng loạt tour đi Đà Nẵng.

Bà Khánh cho biết, đây là thời điểm rất khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành TPHCM, bởi TP là địa phương có lượng doanh nghiệp lữ hành lớn nhất cả nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Hiệp hội Du lịch TPHCM đã có văn bản gửi Sở Du lịch, Hiệp hội các tỉnh thành trên cả nước về việc liên kết hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành TPHCM trong đàm phán huỷ, hoãn tour giai đoạn dịch Covid-19.

Theo đó, doanh nghiệp lữ hành TPHCM mong muốn các tỉnh, thành phố khác trên cả nước phát huy sự liên kết, hợp tác giữa du lịch TPHCM và các địa phương để giúp doanh nghiệp lữ hành nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn...

Xuân Hinh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *