Doanh nghiệp 18/03/2015 11:36

Doanh nghiệp Mỹ kiến nghị bỏ quy định hạn chế nhập khẩu máy móc cũ

FICA - Ủy ban Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng kiến nghị dỡ bỏ các quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Ông Nestor Scherbey - Trưởng Ủy ban Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại - Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa có những đóng góp ý kến về Dự thảo Thông tư Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo ông Nestor Scherbey, dự thảo Thông tư nhằm mục đích khuyến khích nhập khẩu máy móc mới, thiết bị và dây chuyền sản xuất mới được chế tạo với công nghệ hiện đại nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phát triển nói chung. Đáng tiếc là những hạn chế mới trong dự thảo Thông tư có thể đem lại tác dụng ngược so với dự định ban đầu.

Một ví dụ thực tế: máy dập khuôn tiên tiến hoặc các công cụ mới chuyên dụng khác và các thiết bị điều khiển công nghệ cao được sử dụng với những máy móc, thiết bị đã sử dụng nhiều năm với trọng tải hàng tấn như máy đóng dấu hoặc các công cụ máy móc trong nhiều ứng dụng công nghiệp khác. Trong khi máy dập khuôn, các công cụ chuyên dụng và các thiết bị khác dường như vẫn còn mới, máy đóng dấu và các thiết bị máy móc được sử dụng đã có tuổi thọ nhiều năm thậm chí vượt xa những giới hạn 10 năm hay 80% chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu như trong dự thảo Thông tư quy định.

"Thay vì hạn chế, mục tiêu khuyến khích nhập khẩu các máy móc thiết bị như vậy sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu đưa ra các quy định về ưu đãi thuế và hải quan cho hoạt động đầu tư các thiết bị và công nghệ mới. Như vậy, những quy định hạn chế hiện tại quả thực có thể ngăn cản hoạt động đầu tư và nhập khẩu trên", Nestor Scherbey đánh giá.

Ngoài ra, theo ông Nestor Scherbey, việc hạn chế sự chuyển giao các thiết bị sản xuất công nghệ cao hữu ích cho Việt Nam đang được áp dụng cho các máy móc và trang thiết bị dùng trong sản xuất chất bán dẫn đang được xem xét. Lý do vì sẽ nhanh và tiết kiệm chi phí hơn cho nhà đầu tư khi dùng các máy móc sản xuất chất lượng cao đã qua sử dụng cho ngành, hơn là đặt mua những máy mới vì thời gian đưa vào sản xuất lâu và tốn nhiều chi phí.

Ông này dẫn nhận định của một công ty ở California, Hoa Kỳ trong lĩnh vực trên cho biết: "Từ khi nhu cầu cho các thiết bị bán dẫn đã qua sử dụng bắt đầu có sức hút vào cuối những năm 90, khoảng 2,000 doanh nghiệp đã nổi lên trên toàn cầu dưới danh nghĩa người mua và người bán. Lý do cho những nhu cầu đối với các thiết bị đã qua sử dụng hoặc được tái sản xuất này vẫn như thời điểm Chủ tịch của SEC/N (Mạng lưới liên hiệp các thiết bị dư thừa - Surplus Equipment Consortium Network), Ông Gary Alexander phát biểu năm 2000: "Chất lượng của những thiết bị đã qua sử dụng hoặc được tái sản xuất vẫn còn sẵn sàng trong vòng đời của sản phẩm với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ chi phí của thiết bị mới. 

Trong thời đại hiện nay của các thiết bị vốn hàng triệu đô, chi phí tiết kiệm khi mua một máy móc đã dùng rồi, trung bình có thể lên đến 50%. Vì vậy, việc tiết kiệm chi phí tiếp tục là một động lực chính, một nhân tố chủ đạo trong quá trình xem xét đầu tư may móc, trong khi đó các nhân tố khác như lắp đặt, tính sẵn có của các phụ tùng, bảo trì, dịch vụ, chất lượng, đào tạo và an toàn, vv cũng đang nổi lên và dần đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn.”

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, bản dự thảo Thông tư mới hướng đến việc đảm bảo các hàng hóa máy móc như vậy đều đạt được chỉ tiêu chất lượng, an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Thay vì ban hành các biện pháp hạn chế thương mại mới, cách tiếp cận tốt hơn được đề xuất bao gồm hiện đại hóa, tăng cường sự tuân thủ và thực thi của các quy định pháp luật hiện hành từ phía các cơ quan quản lý, thông qua việc liên tục thực hiện các quy chuẩn quốc tế cập nhật nhất và xử lý trực tuyến các thủ tục hành chính. Cách tiếp cận như vậy sẽ phù hợp và giúp thực thi các yêu cầu của các hiệp định thương mại quốc tế và cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam.

Ông kiến nghị rằng các tiêu chuẩn “Chất lượng” mà được cụ thể là “80% chất lượng còn lại” được định nghĩa rõ ràng hơn thông qua các thông số được định lượng rõ ràng do “chất lượng” của máy móc, thiết bị được định nghĩa dựa trên khả năng thực hiện/năng suất của từng máy móc, thiết bị cụ thể tùy theo mục đích sử dụng.

Ủy ban Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng kiến nghị dỡ bỏ các quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong dự thảo Thông tư, đồng thời các quy trình thủ tục hành chính để đảm bảo tuân thủ về độ an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường cần được đơn giản hóa và bổ sung vào cơ chế một cửa quốc gia. 

Ngoài ra, kiến nghị đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên tiêu chuẩn chất lượng của ngành đối với từng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cụ thể thay vì đưa ra cách tiếp cận chung chung dựa trên “phần trăm chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu” như hiện tại được đề cập trong dự thảo Thông tư. 

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *