Doanh nghiệp 21/06/2014 20:05

Điều chỉnh tỷ giá tác động như thế nào tới các doanh nghiệp?

FICA - Với việc VND "rẻ hơn", hàng hóa Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu nguyên liệu, hoặc vay nợ bằng ngoại tệ tăng.

Tối ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD tăng thêm 1%.
 
Theo đó, tỷ giá bình quân áp dụng cho ngày 19/6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD, trần tỷ giá áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 21.458 VND/USD và giá sàn là 21.034 VND/USD.
 
Đây là lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD đầu tiên kể từ tháng 6/2013 và lần điều chỉnh tỷ giá thứ 2 trong gần 3 năm trở lại đây.
 
Việc điều chỉnh tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước cho biết để góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm trong bối cảnh dự trữ ngoại hối dồi dào, cán cán thanh thoán tổng thể thặng dư 10 tỷ USD và lạm phát được kiềm chế ở mức thấp.
 
Lý do là, với việc VND "rẻ hơn", hàng hóa Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn, hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu, hoặc vay nợ bằng ngoại tệ, việc này sẽ làm tăng chi phí.
 
Báo cáo phân tích ngày 20/6 của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tác động của việc điều chỉnh tỷ giá này tới một số doanh nghiệp, ngành cụ thể.
 
 
Theo đó, ngành thép với nhu cầu nhập khẩu nguyên lớn hằng năm được đánh giá là chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên nhiên, hai doanh nghiệp lớn trong ngành thép là Hòa Phát (mã chứng khóa HPG) và Hoa Sen (mã HSG) với nguồn nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu HRC và phôi thép cho biết tác động sẽ không đáng kể. 
 
Theo chia sẻ của 2 doanh nghiệp thì việc dự trù tăng tỷ giá đã được tính toán trước trong kế hoạch năm nay với mức độ dự báo điều chỉnh tỷ giá là cao hơn 1%. Do đó biến động về tỷ giá lần này không mang yếu tố bất ngờ và chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận của công ty. 
 
Còn về trường hợp của Dệt may Thành Công (Mã TCM), các khoản nợ của doanh nghiệp chủ yếu là nợ bằng đồng USD ( quy đổi ra khoảng 855 tỷ VND). Với việc điều chỉnh tỷ giá, TCM sẽ ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện là khoảng 6 tỷ VND. 
 
Tuy nhiên, giả sử toàn bộ doanh thu bằng đồng USD của TCM tăng 1% thì lợi nhuận sau thuế của công ty cũng chỉ tăng 1-2 tỷ đồng. Do vậy, chuyên viên ngành chúng tôi cho rằng mức độ tác động của tỷ giá đến doanh nghiệp là tiêu cực nhẹ và không đáng kể. 
 
Đối với Gỗ Trường Thành (mã GDT), hoạt động xuất khẩu chiếm 85-90% doanh thu của công ty trong khi nguồn nguyên liệu chủ yếu được mua trong nước. Dựa trên mức điều chỉnh tỷ giá, chuyên viên ngành của VDSC ước tính GDT được hưởng lợi khoảng 2,2 tỷ đồng. 
 
Con số này tuy không lớn nhưng có thể sẽ được công ty tận dụng để tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm của mình tại các thị trường xuất khẩu. Có thể nói, GDT có thêm thuận lợi thứ hai bên cạnh lợi thế giá nguyên liệu gỗ cao su giảm trong thời gian qua. 
 
Ngoài ra, chuyên viên ngành của VDSC còn cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp thủy sản, cao su và khai khoáng có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao. 
 
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp VDSC liên lạc thì việc điều chỉnh tỷ giá lần này là không bất ngờ, các doanh nghiệp đã tính vấn đề tỷ giá khi xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và thậm chí mức dự trù theo kế hoạch còn cao hơn con số 1- 2% mà NHNN đã cam kết. 
 
Thục Anh
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *