Chứng Khoán 23/08/2023 13:38

VIC tăng mạnh, tài sản ông Phạm Nhật Vượng biến động ra sao?

Cổ phiếu VIC sáng nay tăng trần và trên thị trường Mỹ VFS của VinFast cũng có một phiên bùng nổ, tăng xấp xỉ 109%, đẩy tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lên cao.

Cùng với diễn biến hồi phục của thị trường trong nước và đặc biệt là cú "bốc đầu" của cổ phiếu VinFast trên thị trường Mỹ, VIC - mã cổ phiếu của Vingroup - sáng nay đã bật tăng trần ngay từ rất sớm.

Tại thời điểm 10h, VIC đã hạ độ cao xuống mức giá 67.300 đồng, biên độ tăng đạt 4,3% so với giá tham chiếu đầu phiên. Khối ngoại cũng đang tích cực mua ròng VIC.

Qua thống kê, cổ phiếu này được giao dịch mạnh nhất ở mức giá trần 69.000 đồng. Mới đầu phiên đã giao dịch hơn 3,35 triệu cổ phiếu tại mức giá cao nhất phiên trong khi khối lượng khớp lệnh tích lũy sau khoảng 1 giờ giao dịch đạt hơn 8 triệu đơn vị.

Cổ phiếu VIC giao dịch mạnh ở mức giá trần sáng 23/8 (Nguồn: VDSC).

Nhờ diễn biến tích cực này mà VN-Index vẫn đang đạt được mức tăng nhẹ, duy trì sát 1.181 điểm, trong đó, riêng VIC đóng góp hơn 2,6 điểm cho chỉ số đại diện sàn HoSE.

Đà tăng của VIC vẫn tiếp tục cho đến hết phiên sáng nay tăng 2.100 đồng tương ứng 3,3% lên 66.600 đồng bất chấp thị trường chung có sự điều chỉnh, VN-Index giảm 4,35 điểm tương ứng 0,37% còn 1.176,14 điểm.

Ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn.

Theo đó, giá trị tài sản cá nhân của ông Vượng thông qua sở hữu trực tiếp VIC chỉ trong ít giờ vừa qua đã tăng 1.452 tỷ đồng. Đồng thời, nhóm cổ đông liên quan tới Chủ tịch Vingroup đang nắm giữ tổng cộng hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC, giá trị tài sản tăng tương ứng trên 5.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup bật tăng mạnh sau chuỗi giảm 4 phiên liên tục kể từ 17/8. Trong 4 phiên 17-22/8, VIC đánh mất 11.100 đồng tương ứng 14,68%, trong đó có một phiên giảm sàn vào ngày 18/8.

Tuy nhiên, ở phiên giảm sàn nói trên, cổ phiếu VIC còn bị tác động bởi xu hướng bán tháo trên quy mô toàn thị trường bên cạnh hiệu ứng của giá cổ phiếu VFS tại thị trường Nasdaq cũng ở xu hướng tiêu cực.

VFS sau phiên bùng nổ ngày chào sàn 15/8 đã có 3 phiên điều chỉnh liên tục. Đóng cửa tuần trước tại 15,4 USD, có thời điểm lùi về 11,63 USD và khiến vốn hóa thị trường "bốc hơi" gần 50 tỷ USD, nhưng cổ phiếu VFS sau đó đã có cú xoay chiều ngoạn mục khi trở lại giao dịch vào tuần này.

 
Cổ phiếu VFS có phiên giao dịch ấn tượng cả về giá lẫn khối lượng trên sàn Nasdaq ngày 22/8 (Nguồn: Nasdaq).

Tối qua (theo giờ Mỹ), VFS mở cửa với diễn biến "bốc đầu", tăng mạnh có lúc tiến sát mốc 47 USD và đóng cửa tại 36,72 USD/cổ phiếu, tăng 19,14 USD tương ứng tăng 108,87% so với giá đóng cửa phiên trước đó.

Khối lượng giao dịch cũng đột biến lên 19,4 triệu đơn vị trong khi tổng khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng tự do trên thị trường chỉ ở mức 4,5 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư mua đi bán lại, trao tay cổ phiếu rất nhanh.

Ở mức thị giá nói trên, vốn hóa thị trường của VinFast đạt trên 84 tỷ USD, trở lại top 10 hãng xe hơi có quy mô vốn hóa lớn nhất thế giới.

Sự bùng nổ của giá cổ phiếu cũng khiến giá trị tài sản ông Phạm Nhật Vượng sau một đêm tăng thêm 20,5 tỷ USD (tăng 87,41%) lên 44 tỷ USD, quay trở lại top 30 người giàu nhất thế giới (xếp thứ 27).

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *