Chứng Khoán 13/03/2021 10:31

Tranh chấp FLC và Xây dựng Hòa Bình: Bất ngờ lớn trên sàn chứng khoán!

Sau khi FLC bị trọng tài phán quyết thua kiện Công ty Xây dựng Hòa Bình trong vụ tranh chấp hợp đồng kéo dài, điều bất ngờ đã xảy ra với cổ phiếu FLC và HBC trên thị trường chứng khoán.

Tranh chấp FLC và Xây dựng Hòa Bình: Bất ngờ lớn trên sàn chứng khoán! - 1

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC và ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình (ảnh FLC, HBC)

Giá cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC và HBC của Công ty Xây dựng Hòa Bình (gọi tắt là Hòa Bình) trên thị trường chứng khoán trở thành mối quan tâm của giới quan sát và nhà đầu tư trong bối cảnh diễn biến về tranh chấp dài kỳ của hai doanh nghiệp này đến hồi cao trào.

"Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thắng kiện Tập đoàn FLC" - đây là khẳng định của phía Hòa Bình sau khi có công văn từ ALB & Partners báo cáo tiến độ giải quyết tranh chấp, khẳng định với hợp đồng số 18 ngày 1/12/2014, VIAC đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình, buộc FLC phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền 234,85 tỷ đồng.

Phán quyết có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 14/12/2020. Trong trường hợp FLC không thực hiện thanh toán số tiền nêu trên quá 30 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực, FLC còn phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán với lãi suất 12%/năm (đối với số nợ gốc 163 tỷ đồng) và 10%/năm (đối với các số tiền còn lại).

Đáng chú ý, ngày 9/3, Tòa án Nhân dân TPHCM chính thức không chấp nhận yêu cầu của FLC về việc hủy phán quyết trọng tài và quyết định phán quyết nói trên tiếp tục có hiệu lực chung thẩm và bắt buộc thi hành kể từ ngày 14/11/2020.

Đây là một thông tin bất lợi với giá cổ phiếu FLC trên thị trường, nhất là khi so sánh khoản tiền phải trả so với lượng tiền mặt mà công ty mẹ FLC đang có tại ngày 31/12/2020 chỉ vào khoảng 293 tỷ đồng.

Việc được phán quyết sẽ thu về gần 235 tỷ đồng là thông tin có lợi với Xây dựng Hòa Bình, doanh nghiệp không còn phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu khó đòi này và sẽ có thêm nguồn tiền phục vụ nhu cầu vốn lưu động.

Trong ngày 11/3, sau khi thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, giá cổ phiếu FLC khởi đầu phiên bất lợi, bị bán mạnh, còn cổ phiếu HBC tăng.

Tuy nhiên, sự việc chưa dừng tại đó. Ngay sau tuyên bố thắng kiện từ phía Hòa Bình thì FLC có phản ứng tức thì, cho biết họ không đồng tình với các phán quyết của VIAC cũng như TAND TPHCM.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã quyết định khởi kiện lại Hòa Bình trong ngày 8/3 với mục đích làm rõ các vi phạm của Hòa Bình về tiến độ xây dựng và chất lượng xây dựng tại một số hạng mục của dự án FLC Sầm Sơn, với tổng số tiền phạt cũng như bồi thường ước tính gần 80 tỷ đồng.

Ngày 9/3, FLC đã có đơn kiến nghị gửi lên TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao.

Trên thị trường, giá cổ phiếu FLC trong phiên chiều 11/3 hồi phục trở lại và tăng nhẹ 0,46%, còn biên độ tăng của cổ phiếu HBC lại thu hẹp.

Diễn biến giá hai cổ phiếu này trong phiên 12/3 càng gây bất ngờ hơn. FLC kéo dài chuỗi tăng 5 phiên liên tục, tăng thêm 4,23% lên 6.900 đồng/cổ phiếu và có thời điểm được giao dịch với mức giá 6.980 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tại mã cũng rất cao, đạt 22,28 triệu cổ phiếu.

Ngược lại, cổ phiếu HBC lại giảm 2,39% còn 18.400 đồng và có lúc giao dịch ở mức 18.300 đồng/cổ phiếu. Mặc dù, bên cạnh tin thắng kiện, Hòa Bình còn công bố đã trúng thầu dự án xây dựng trường học trị giá gần 400 tỷ đồng.

Tranh chấp FLC và Xây dựng Hòa Bình: Bất ngờ lớn trên sàn chứng khoán! - 2

Cổ phiếu HBC phiên 12/3 giảm giá dù nhận được nhiều thông tin tốt (ảnh chụp màn hình)

Tranh chấp FLC và Xây dựng Hòa Bình: Bất ngờ lớn trên sàn chứng khoán! - 3

FLC kéo dài chuỗi tăng 5 phiên liên tục với sức bứt phá mạnh trong phiên 12/3 (ảnh chụp màn hình)

Về phía FLC, tập đoàn này cũng có thêm một số thông tin đáng chú ý như cổ phiếu FLC được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) đưa ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 11/3 (tức được cấp margin trở lại). Thêm vào đó, hậu kiểm toán, tập đoàn này báo lãi sau thuế năm 2020 gần 308 tỷ đồng, tăng 68% so với con số tự lập trước đó.

Về diễn biến trên thị trường chứng khoán nói chung, các pha rung lắc của VN-Index trong ngày 12/3 vẫn đang vô cùng gay cấn. "Tàu lượn" chỉ số có khi tăng về vùng 1.186 điểm trong phiên sáng nhưng phiên chiều lại có lúc về vùng 1.178 điểm trước khi ấn định mức giảm nhẹ 0,17 điểm, tương ứng 0,01% vào cuối phiên, đóng cửa tại 1.181,56 điểm.

HNX-Index tăng 0,39 điểm tương ứng 0,14% lên 273,91 điểm và UPCoM-Index giảm 0,01 điểm tương ứng 0,01% còn 80,33 điểm.

Thanh khoản trên thị trường thu hẹp so với phiên trước đó, một phần do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, một phần do tình trạng "đơ", "nghẽn" tái diễn trên sàn HSX. Tổng giá trị giao dịch trên HSX là 14.582,17 tỷ đồng; trên HNX là 2.275,01 tỷ đồng và trên UPCoM là 932,83 tỷ đồng.

Phần lớn cổ phiếu trong rổ VN30 giảm giá, ngoại trừ một số mã tăng mạnh như SBT tăng 4,8%; VPB tăng 1,7%; HDB tăng 0,9% và VRE tăng 0,9%. Rổ chỉ số VN30 giảm 0,9 điểm tương ứng 0,08%.

Ngược lại, cổ phiếu có vốn hóa nhỏ lại tăng giá tích cực. VNSML-Index tăng 2,23 điểm tương ứng 0,18%. Một loạt cổ phiếu trong nhóm này tăng trần như SHI, TEG,TLD, HQC, HTI, HAP và các mã này không hề có dư bán, hết phiên vẫn còn dư mua giá trần. Cùng với đó, LSS tăng 6,6%; SGR tăng 6,5%; VOS tăng 4,6%; DGW tăng 4,4%, DLG tăng 3,8%...

Tranh chấp FLC và Xây dựng Hòa Bình: Bất ngờ lớn trên sàn chứng khoán! - 4

Thị trường đóng cửa phiên cuối tuần với trạng thái giảm của chỉ số chính, tuy nhiên nhóm vốn hóa nhỏ vẫn "hút khách" (ảnh chụp màn hình)

Như vậy, kết tuần này, VN-Index vẫn chưa thể chinh phục được đỉnh cũ 1.200 điểm và nhà đầu tư tiếp tục phải chờ cơ hội bứt phá của chỉ số trong các phiên giao dịch ở tuần sau.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *