Chứng Khoán 04/12/2018 15:42

Chính phủ nên luật hoá việc phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết

Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, sửa đổi Luật chứng khoán có thể giải quyết được những bất cập giữa Luật Chứng khoán và một số luật khác cũng như xử lý sự phân biệt không nên có giữa thị trường Việt Nam với Thái Lan, Malaysia,...

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2018 (VBF 2018) diễn ra vào sáng 4/12, Nhóm công tác thị trường vốn đã có báo cáo về một số điểm mấu chốt trong sửa đổi Luật Chứng khoán với 4 vấn đề: phạm vi điều chỉnh, sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán, giao dịch chứng khoán và mô hình quản lý thị trường giao dịch chứng khoán.

Theo Nhóm công tác thị trường, về phạm vi điều chỉnh có sự chồng chéo, không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán về địa vị pháp lý của các công ty đại chúng (bao gồm cả công ty niêm yết và chưa niêm yết) có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51%. Điểm mấu chốt là tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty này có thể thay đổi hàng ngày, hôm trước trên 51%, ngày hôm sau dưới 49%.

“Như vậy, quy định yêu cầu mọi hoạt động “mua cổ phần, phần vốn góp” dẫn đến sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên đều phải đăng ký là vô cùng bất hợp lý và không thể thực hiện được”, báo cáo nêu.

Do đó, nhóm công tác kiến nghị xác định rõ ranh giới phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán bằng việc thêm vào phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán “sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư; điều kiện và thủ tục đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư”.

 

Vấn đề sở hữu nước ngoài, theo nhóm công tác, quy định hiện hành về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong công ty đại chúng là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% trở lên. 49% đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài. 100%, trừ khi Điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành hoặc Điều lệ công ty có hạn chế.

Bất cập được chỉ ra là Luật Chứng khoán điều chỉnh về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty đại chúng, nhưng Luật Đầu tư lại điều chỉnh địa vị pháp lý của các công ty này khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên. Hệ quả của việc Luật Đầu tư điều chỉnh địa vị pháp lý là địa vị pháp lý của các công ty đại chúng có thể thay đổi hàng ngày khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống thấp, hoặc vượt quá 51%.

Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc một công ty đại chúng hôm trước được coi là nhà đầu tư trong nước (khi sở hữu nước ngoài dưới 51%) thì ngay ngày hôm sau đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài (khi sở hữu nước ngoài tăng trên 51%), và ngược lại.

Nhóm công tác kiến nghị Luật hóa việc phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) nhằm giải quyết được 2 vấn đề: Chính phủ vẫn hạn chế được tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của luật hiện hành và điều ước quốc tế; và không làm thay đổi địa vị pháp lý (nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài) của doanh nghiệp khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá 51%.

Đồng thời, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty đại chúng, công ty niêm yết khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức tối đa. Luật Chứng khoán cần luật hóa quyền biểu quyết của tổ chức nắm giữ NVDR, việc phát hành, quản lý và tổ chức thị trường giao dịch đối với NVDR.

Nhóm công tác cũng đưa ra bất cập và đề xuất liên quan đến việc thành lập ngân hàng thanh toán tiền đối với giao dịch chứng khoán, phái sinh. Cụ thể, mô hình giao dịch chứng khoán hiện tại ngân hàng thanh toán tiền đối với giao dịch chứng khoán: BIDV. Ngân hàng thanh toán tiền đối với giao dịch chứng khoán phái sinh: Vietinbank. Ngân hàng thanh toán tiền đối với giao dịch trái phiếu chính phủ: Ngân hàng Nhà nước. Do đó, bất cập là chưa đảm bảo được an toàn trong hoạt động thanh toán; Nhà nước không thu được ngân sách từ hoạt động này.

Nhóm công tác kiến nghị bổ sung quy định để thành lập Ngân hàng thanh toán tiền trung tâm đối với giao dịch chứng khoán, phái sinh trực thuộc Chính phủ. Điều này theo nhóm nghiên cứu giảm thiểu rủi ro cho thị trường chứng khoán; tăng thu cho Ngân sách Nhà nước (qua việc thu phí giao dịch); tăng tính minh bạch và bình đẳng cho thị trường…

Phương Dung

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *