Bất động sản 05/12/2013 17:39

Kiều hối "tránh" bất động sản

FICA - Theo dự báo của BIDV, kiều hối sẽ có sự chuyển dịch tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường bất động sản.

"Né" bất động sản

Theo báo cáo dự báo tình hình kinh tế vĩ mô 2014 của Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với triển vọng kinh tế các nước sẽ phục hồi trong năm 2014, nhu cầu sử dụng lao động tăng và thu nhập của người dân (trong đó có Việt kiều) tăng, dự báo lượng kiều hối trong năm tới sẽ tăng.

Theo dự báo của BIDV, ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD trong năm 2013 và sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2014. Tuy nhiên, BIDV cho rằng, kiều hối sẽ có sự chuyển dịch tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường bất động sản.

Trong những năm trước, lượng kiều hối vào Việt Nam phần lớn được đổ vào thị trường bất động sản. Theo kết quả một cuộc điều tra do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia từng thực hiện, có đến 52% lượng kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.

Tuy nhiên, do trong thời gian qua thị trường bất động sản trầm lắng, giá nhà liên tục sụt giảm mạnh trong khi nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tin vào sự khởi sắc của thị trường nên lượng kiều hối vào bất động sản đã sụt giảm đáng kể. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm nay lĩnh vực bất động sản hiện tại chỉ thu hút dưới 20% kiều hối, xu hướng đầu tư mạnh vào các lĩnh vực này của những người nhận kiều hối đã bắt đầu giảm từ năm ngoái. Trong năm ngoái, lượng kiều hối vào bất động sản chiếm khoảng 23%, trong khi năm trước đó là 52%.

Kiến nghị thành lập công ty tái cho vay thế chấp

Để hỗ trợ thị trường bất động sản, Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, điều tiết thị trường bất động sản theo Nghị quyết 01, 02 năm 2013 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường khác như: xây dựng và phát triển thị trường tài chính nhà ở, thị trường cho vay thế chấp với nguồn vốn trung dài hạn có lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường, hướng tới các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở thông qua việc hình thành các tổ chức tài chính trung gian, điển hình là Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở; Cho phép các TCTD triển khai các sản phẩm tiết kiệm nhà ở,…

Theo BIDV, mặc dù dự thảo sửa đổi Luật đất đai hiện nay đã có những điểm thay đổi, phù hợp hơn với thực tiễn, tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận như: cơ chế Nhà nước thu hồi đất, thực hiện hỗ trợ, bồi thường, tái định cư; vấn đề định giá đất theo giá thị trường; vấn đề bảo đảm công bằng về quyền đối với đất đai cho nhóm yếu thế trong xã hội; … vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt so với quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, một số nội dung đổi mới quan trọng tại Nghị quyết Trung ương số 19 còn thiếu vắng trong dự thảo Luật, điển hình là các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất. Do vậy, cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để ban hành Luật đất đai trong thời gian tới, đồng thời nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai nhằm sớm đưa Luật đi vào thực tế.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *