Chính sách 12/12/2014 16:51

Than "khó" nâng vốn, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thu phí cầu đường bằng thẻ

FICA - Đáp lại đề nghị nâng mức tín dụng cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) e dè và đưa ra 5 đề xuất, trong đó đặc biệt là: thu phí cầu đường bằng thẻ của ngân hàng.

Đây là nội dung được đại diện của Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” sáng nay tại Hà Nội.

 

 

Theo đại diện của NHNN, đây là cơ sở để các NH tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng và khiến tài trợ của các ngân hàng cho dự án được nhiều hơn. Theo đại diện của NHNN, đây là kinh nghiệm đã được các nước phát triển thực hiện; việc kết hợp giữa dịch vụ ngân hàng và thu phí thông qua thẻ là để kiểm soát tốt hơn nguồn thu và việc quản lý vốn sau khi các dự án được hoàn thành.

 

Trả lời về đề xuất nâng mức cấp tín dụng của ngân hàng cho các dự án hạ tầng GTVT, NHNN đưa ra nhiều lý do, trong đó có: việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, trong đó: vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông thường rất dài (khoảng 20-25 năm); Năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm.

 

Rất nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, khả năng trả nợ vay từ ngân hàng cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án. Không ít các công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng như nứt, lún… phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến dẫn đến Ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng…

 

Bên cạnh than khó về nâng mức tín dụng, đại diện của NHNN đã đưa ra 5 giải pháp về thu hút vốn vào dự án GTVT, trong đó, thứ nhất là nhấn mạnh việc cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhấn mạnh đặc biệt vào: ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng giao thông.

 

Thứ hai, Bộ GTVT cần có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí... do tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án.

 

Thứ ba, công khai thông tin về các dự án cần kêu gọi vốn đầu tư, tình hình triển khai thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư... làm cơ sở tiếp cận thông tin nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực.

 

Thứ tư, nghiên cứu áp dụng thu phí của người tham gia giao thông bằng thẻ của ngân hàng để kiểm soát nguồn thu, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các dự án, rút ngắn thời gian phải vay vốn Ngân hàng. Theo đại diện của NHNN, đây là cơ sở để các NH tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng và khiến tài trợ được nhiều hơn dự án hơn.

 

Thứ năm, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan hỗ trợ trong việc đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng,... để hoàn thiện cơ sở pháp lý của dự án, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án giao thông.

 

Theo đại diện của NHNN, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tham gia tài trợ vốn cho khoảng 63 dự án BOT, BT, PPP do Bộ GTVT quản lý, với số vốn lên tới 135 nghìn tỷ (chiếm 89 % tổng mức đầu tư). Chỉ tính riêng đối với Ngân hàng phát triển BIDV tài trợ riêng cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải phòng hiện nay đã giải ngân trên 20 nghìn tỷ đồng. Đây là số vốn tín dụng ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông.

 

Hiện nay, một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank, SHB... đã triển khai, đưa ra các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi đối với các dự án hạ tầng giao thông, như: BIDV đã ký kết chương trình thoả thuận hợp tác giữa BIDV và Bộ GTVT ký ngày 22/01/2013 với giá trị cam kết tài trợ các dự án quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh khu vực qua Tây Nguyên là 30 nghìn tỷ đồng với 19 dự án BOT; Vietinbank cam kết tài trợ cho một số dự án lớn như Dự án  đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là hơn 5.900 tỷ đồng; Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là hơn 5.400 tỷ đồng, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Ninh Thuận 1.700 tỷ đồng... Có được nguồn vốn lớn như vậy để góp phần phát triển hạ tầng giao thông là sự nỗ lực lớn của ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng BIDV, Vietinbank, SHB... 

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *