Tiền và Hàng 15/09/2014 09:02

Vụ lạm thu phụ phí: Đòi công bằng với các hãng tàu nước ngoài

FICA - Cho đến nay có từ 10-15 loại phí không có cơ sở đang được áp dụng, trong đó mức phí còn lớn hơn nhiều so với mức giá cước. Đây là một “biến tướng” tệ hại.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Nguyễn Nhật, mới đây đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng bàn về việc thu phụ phí của các hãng tàu biển nước ngoài đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tại cuộc họp này, các đại biểu đã nhất trí với đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam thành lập ngay Tổ công tác để rà soát cụ thể việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tổ công tác này bao gồm thành viên của: Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải); Cục quản lý Cạnh tranh, Cục XNK (Bộ Công Thương); Cục Quản lý giá, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), VCCI, Hiệp hội Chủ hàng, Hiệp hội cảng Biển.

Sau rà soát, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo trình Bộ GTVT, các Bộ ngành kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế quản lý hiệu quả, đề nghị các hãng tàu ngừng thu ngay một số loại phí không phù hợp; thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện thu nộp phụ phí của các hãng tàu biển nước ngoài.

Theo đại diện các hiệp hội ngành hàng và Bộ ngành liên quan, việc áp đặt mức phụ phí không có cơ sở và tăng vô tội vạ của các hãng tàu ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam và gây thiệt hại cả cho nền kinh tế của đất nước.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến nay, có khoảng hơn 50.000 DN tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó lượng xuất nhập khảu hàng hóa bằng container của 3 ngành dệt may, thủy sản và da giày đã chiếm khoảng 40% lượng container cả nước. 

Báo cáo của Hiệp hội Da giày Việt Nam cho thấy, tiền phụ phí cảng biển chiếm đến 1% tổng kim ngạch của cả ngành. Như vậy, mỗi năm chi phí trả cho các loại phụ phí của ngành khoảng 110 triệu USD, giá các loại phụ phí cũng tăng không ngừng, trung bình 20%/năm.

Bộ GTVT cho biết, kể từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, các hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tăng nhanh, đến nay có khoảng 40 hãng đảm nhận vận chuyển 88% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó, nhận gần 100% hàng hóa xuất khẩu đóng container xuất đi EU, Châu Mỹ, khu vực Bắc Mỹ.

Kể từ năm 2010, các chủ tàu đã ồ ạt thu các loại phụ phí. Ngày 13/5/2011, Bộ GTVT cũng đã có Công văn số 2730/BGTVT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thu thêm phụ phí đối với hàng hóa nhập khẩu trong đó kiến nghị một số giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ chế kiểm soát của cơ quan quản lý với vấn đề này. 

Theo phản ánh của các hiệp hội ngành hàng, cho đến nay có từ 10 - 15 loại phí không có cơ sở đang được áp dụng, trong đó mức phí còn lớn hơn nhiều so với mức giá cước. Đây là một “biến tướng” tệ hại cần phải chấn chỉnh.

Đại diện của các đại biểu cũng đồng tình và thống nhất đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chí cụ thể nào cho từng loại phí để các hãng tàu có căn cứ về: đối tượng thu, thời gian thu, ngừng thu, điều kiện tăng, giảm. Đồng thời kiến nghị, bỏ các loại phí vô lý như: Phí mất cân đối container (CIC/CIS); phí vệ sinh container, phí sửa chữa container, phí đặt cọc container lạnh. Còn các loại phụ phí phát sinh theo thời điểm như: Phí tắc nghẽn hàng hóa, phụ phí xăng dầu phải có điều kiện và căn cứ thu, tăng.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Nguyễn Nhật cho biết, sau khi nhận được Công văn số 3191 của Cục Hàng hải ngày 8/8/2014 về việc thu phụ phí của hãng tàu biển nước ngoài, ngày 3/9/2014, Bộ GTVT đã gửi Công văn giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), VCCI, Hiệp hội ngành hàng và các đơn vị liên quan rà soát, giám sát việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế và yêu cầu Cục báo cáo về Bộ GTVT những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Cục Hàng hải Việt Nam cam kết sẽ thực hiện quyết liệt và cương quyết để giải quyết vấn đề này.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *