• -
Tiền và Hàng 15/09/2014 07:21

Hành khách bị chậm hủy chuyến được phục vụ ăn uống tại sân bay: “Thượng đế” có còn vạ vật?

Bộ GTVT vừa có Thông tư số 36/TT- BGTVT quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại các cảng hàng không.

Hành khách buộc phải vạ vật ở sân bay mỗi khi các hãng hàng không thông báo chậm, hủy chuyến. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Theo đó, nếu chuyến bay chậm 3 giờ, hành khách sẽ được phục vụ ăn uống. Đây là thông tin được nhiều hành khách quan tâm, trong bối cảnh việc chậm, huỷ chuyến vẫn là vấn đề nan giải của các hãng hàng không. Dù chẳng ai muốn chậm, hủy chuyến để được phục vụ ăn uống tại sân bay, nhưng Thông tư 36 của Bộ GTVT vẫn được xem là tín hiệu vui với hành khách.

Phần lớn do chủ quan

Tình trạng chậm chuyến, huỷ chuyến hiện nay xảy ra thường xuyên, gây nhiều phiến toái cho hành khách. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), trong tháng 8.2014, số chuyến bay bị chậm chuyến của các hãng hàng không là 2.057 chuyến. Qua kiểm tra có rất nhiều nguyên nhân gây ra chậm chuyến như: Quản lý bay, trang thiết bị và dịch vụ hàng không, yếu tố thời tiết… 

Trong đó yếu tố do máy bay về muộn chiếm đến hơn 60% (1.290 chuyến/tổng số chuyến về muộn). Đứng đầu tỉ lệ chậm và hủy chuyến là Jetstar Pacific với hơn 25% (391/1.556 chuyến khai thác), tiếp đến là Vietjet Air với 19,9% (638/3.214 chuyến khai thác), Vietnam Airlines chiếm con số 10,4% (1.007/9.701 chuyến khai thác). 

Để hạn chế việc chậm chuyến, huỷ chuyến, các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific đã đưa ra giải pháp, như cho phép các tàu bay vừa bơm nạp xăng dầu vừa cho khách làm thủ tục lên máy bay để tiết kiệm thời gian, thay vì phải bơm xăng xong mới cho khách lên máy bay, nộp kế hoạch bay điện tử thay vì để phi công phải trực tiếp đến phòng thủ tục bay để nộp, điều tiết giờ hạ và cất cánh của các hãng hàng không tại sân bay.

Cụ thể, từ 7h ngày 11.9 đến 6h59 ngày 12.9.2014 có 435 chuyến, chậm 31 chuyến (7,1%), nguyên nhân chủ quan là 12 chuyến và 1 chuyến do trang thiết bị dịch vụ cảng hàng không. Cụ thể: Vietnam Airlines chậm 14 chuyến trên tổng số 279 chuyến (5,3%); VietJet Air 97 chuyến, chậm 11 chuyến (11,3%) và Jetstar Pacific 49 chuyến, chậm 6 (12,2%). Phó Cục trưởng Cục HKVN Võ Huy Cường cho rằng, có rất nhiều lý do các chuyến bay về muộn. 

Do vậy, cục đang cố gắng làm rõ, để điều chỉnh, đồng thời đánh giá các nguyên nhân có phải do năng lực mặt đất hay không? Do tàu bay về chậm hay không, hay là do thời tiết, kỹ thuật… Qua giám sát, kiểm tra trực tiếp, sẽ tập trung vào yếu tố con người, công tác phục vụ mặt đất. Cục HKVN đã yêu cầu các hãng hàng không phải lập kế hoạch bay phù hợp với năng lực khai thác, bổ sung đội tàu bay và đảm bảo có tàu bay dự bị nhằm phục vụ hành khách theo đúng kế hoạch bay; phối hợp chặt chẽ với các Cty phục vụ mặt đất và điều hành, kiểm soát không lưu nâng cao khả năng điều hành tốt chuyến bay…

Có được là “thượng đế”?

Từ trước đến nay nếu chậm chuyến, huỷ chuyến, các hãng hàng không chỉ thông báo đến hành khách và “xin lỗi” là câu cửa miệng. Nhưng nay, theo quy định của Thông tư 36, từ 1.12.2014 nếu chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo cho hành khách các thông tin có liên quan đến chuyến bay, lý do của việc chậm chuyến; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách. Đồng thời, hãng hàng. 

Cụ thể, về dịch vụ phục vụ hành khách của chuyến bay bị chậm, gián đoạn và hủy chuyến, hãng hàng không phải cung cấp thông tin về tình trạng chuyến bay cho doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; bố trí nhân viên thông báo và tổ chức cung cấp các dịch vụ mà hành khách được hưởng theo quy định, giải quyết các thắc mắc và nhu cầu của hành khách trên cơ sở tình hình thực tế và quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến, hãng HK có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định. Cụ thể: Thời gian chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống nhẹ; chậm chuyến từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm (từ 6 - 8h là bữa sáng, từ 12 - 14h là bữa trưa, từ 19 - 21h là bữa tối). 

Nếu thời gian chậm từ 6 giờ trở lên (từ 7h đến trước 22h) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không; thời gian chậm từ 6 giờ trở lên (từ 22h hôm trước đến 7h hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách; chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng HK để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. 

Nếu do điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến an toàn khai thác chuyến bay; nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến an toàn khai thác chuyến bay; chuyến bay không thể thực hiện theo quyết định của hãng HK được miễn trừ việc thực hiện phục vụ bữa ăn hay chỗ nghỉ.

Cảng vụ HK thực hiện giám sát việc tuân thủ chất lượng dịch vụ của các hãng HK, các đơn vị cung cấp dịch vụ theo quy trình phục vụ hành khách; giám sát trực tiếp tất cả các trường hợp chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến nhằm kịp thời yêu cầu các hãng HK, các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện nghĩa vụ theo quy định; bố trí nhân viên, công bố đường dây nóng để xử lý các sự việc, tranh chấp xảy ra giữa hành khách với các hãng HK, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng HK và báo cáo kết quả xử lý về Cục HKVN. Thông tư 36 ra đời sẽ chấm dứt cảnh hành khách của các hãng hàng không phải vạ vật vì máy bay chậm chuyến, hủy chuyến, mà bao năm qua đã trở thành chuyện thường ngày của các hãng hàng không.

Theo Đặng Tiến

Lao động

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *