Tiền và Hàng 27/12/2013 07:53

Hàng hóa phục vụ Tết: Tránh tạo nhu cầu "ảo"

FICA - Bộ Công Thương khẳng định, để phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng, các điểm bán hàng bình ổn năm nay sẽ kéo dài thời gian bán hàng đến tận những ngày sát Tết để tránh tình trạng tích trữ hoặc khan hiếm hàng hóa.

Tăng số lượng doanh nghiệp tham gia bình ổn

Nhận định tại buổi buổi tọa đàm trực tuyến "Bình ổn thị trường: Tháo gỡ khó khăn cung-cầu trong dịp Tết" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 25/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, điểm đáng ghi nhận nhất của Chương trình bình ổn giá năm nay chính là việc gia tăng số lượng các doanh nghiệp tham gia tại các địa phương và phần đông các doanh nghiệp này đã tự chủ động nguồn vốn cho việc sản xuất và dự trữ hàng hóa.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Năm nay, đã có 45 địa phương báo cáo với Bộ Công Thương về việc tổ chức các chương trình bình ổn giá. Các năm trước, nguồn vốn hỗ trợ chỉ được dành cho các nhà phân phối và lưu thông thì năm nay, nguồn vốn được hỗ trợ từ khâu sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa.

Nếu năm 2011, có 6.400 điểm bán hàng bình ổn thì năm 2012 có tới 8.000 điểm bán hàng, dự kiến năm nay con số này sẽ tăng hơn nữa. Bên cạnh đó, sẽ có các chuyến bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất để phục vụ nhu cầu của công nhân và người lao động.

Để phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng, các điểm bán hàng bình ổn cũng sẽ kéo dài thời gian bán hàng đến tận những ngày sát Tết để tránh tình trạng tích trữ hoặc khan hiếm hàng hóa.

"Đi cùng với đó là việc nâng cao chất lượng hàng hóa. Nếu trước kia chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu thì năm nay sẽ mở rộng các nhóm hàng nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Tùy theo nhu cầu của từng địa phương sẽ có sự lựa chọn các mặt hàng thích hợp để tham gia chương trình bình ổn", Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng Thoa, hiện các địa phương cũng chú ý nhiều vào nhu cầu phối hợp liên kết giữa các địa phương trong việc lưu thông hàng hóa. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh liên kết với nhiều tỉnh thành, đặc biệt đưa hàng nông sản của các tỉnh về TP Hồ Chí Minh và ngược lại đưa các sản phẩm công nghiệp của TP Hồ Chí Minh đến các địa phương khác.

Với chương trình năm nay, bà Lê Thị Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ có 64 doanh nghiệp tham gia trong đó 59 doanh nghiệp sản xuất và 5 đơn vị tín dụng. Nguồn hàng bình ổn của các doanh nghiệp này chiếm từ 30 - 40% nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Riêng mặt hàng thiết yếu như thịt gia cầm, thịt gia súc, trứng gia cầm chiếm 60% nhu cầu của thị trường, có thể chi phối thị trường hàng hóa.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro cũng sẽ triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn đa dạng. Ông Chu Xuân Kiên – Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết, bên cạnh các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, Hapro sẽ tổ chức 214 chuyến bán hàng lưu động có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại 18 quận huyện ngoại thành Hà Nội. Bên cạnh đó sẽ có 38 chuyến bán hàng còn lại trước trong và sau Tết đến cả hai xã miền núi của huyện Thạch Thất và Mỹ Đức. Trong nội đô, Hapro sẽ có khoảng từ 10-15 điểm bán 24/24 trong dịp Tết để phục vụ bà con và khách du lịch.

Không để khan hiếm hàng hóa

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, năm 2013, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành, chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước đạt dưới mức chỉ tiêu Quốc hội giao. Điều này có được là nhờ cân đối được cung cầu trong nước. Do đó, cần có những đánh giá chính xác về cung cầu hàng hóa để từ đó có những biện pháp điều phối thích hợp.

Với vai trò của mình, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan đã cùng thảo luận, đánh giá tình hình thị trường để có những hướng điều chỉnh kịp thời. Đoàn công tác liên ngành đã làm việc với 6 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) để nắm bắt tình hình. Theo đánh giá chung, dịp Tết Giáp Ngọ 2014, nguồn cung về thực phẩm, các sản phẩm thịt sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và các mặt hàng bình ổn sẽ không tăng giá. Có thể xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ ở một số địa phương nhưng sẽ có sự điều chỉnh kịp thời.

Không chỉ dừng lại đó, tại TP Hồ Chí Minh, bà Lê Ngọc Đào cho biết thêm, trong 2 tháng trước và sau Tết, tất cả mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn không tăng giá và ổn định. Riêng đối với mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, các doanh nghiệp tham gia bình ổn còn có chương trình bình ổn giá sâu cho 3 ngày cận Tết”. Cùng với việc chú trọng bình ổn giá các mặt hàng, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để đảm bảo thị trường hàng hóa.

Tránh tạo nhu cầu không có thực

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng chia sẻ, do thói quen tiêu dùng lâu nay của người dân dẫn tới việc tích trữ hàng hóa dịp Tết, cũng như hình thức phân phối chưa hợp lý đã dẫn tới việc tạo ra nhu cầu không có thực. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, Chính phủ sẽ điều tiết theo xu hướng thị trường.

Để làm được điều này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, cần có sự đánh giá về cân đối cung cầu. Đồng thời, cần đẩy mạnh hệ thống lưu thông phân phối. Với khả năng hiện nay, chúng ta chưa thể phủ khắp cả nước nhưng phải có tính dẫn dắt. Các điểm bán hàng bình ổn, bán hàng lưu động phải bán đúng giá, đúng mặt hàng quy định.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông đến người tiêu dùng. Với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, sự lan tỏa của chương trình bình ổn ngày một được mở rộng, nhận được sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp và người dân.

Việc truyền thông hiệu quả chương trình bình ổn giá cũng đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *