Tăng tuổi nghỉ hưu vì sợ vỡ quỹ bảo hiểm – Quá vô lý!

“Quá vô lý” vì vỡ quỹ hay không, không phải do người đóng mà là do quản lý.

Với lý do “nâng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí”, dự thảo luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động. 
 
Theo đó, từ năm 2016, tuổi đời được hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức mỗi năm sẽ tăng thêm 4 tháng cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ (hiện là 55 tuổi) và 62 tuổi với nam (hiện là 60 tuổi).

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị nhiều đại biểu Quốc hội bác bỏ trong phiên thảo luận ngày 16.6 vừa qua. Bởi lẽ, nguyên tắc của bảo hiểm hưu trí (BHHT) là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít. Chứ không phải tăng tuổi nghỉ hưu để… thời gian “gầy quỹ” dài hơn. Như thế, chẳng khác nào “trăm dâu đổ đầu tằm”, trút thêm gánh nặng lên lưng người lao động.

Nhắc lại một lần nữa, theo nguyên tắc, muốn tránh vỡ quỹ phải cân đối lại việc đóng – hưởng. Điều này thuộc về trách nhiệm của nhà quản lý. Hiện, số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đây chính là nguồn thu lớn để giải quyết vấn đề mất cân bằng về việc “đóng – hưởng”.

 
Vậy giải pháp đưa ra là, các nhà quản lý phải tìm cách để tăng thu, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng, trục lợi từ BHXH của các doanh nghiệp – tạm gọi hành động này là “ăn cướp của người lao động”. 
 
Với đội ngũ công chức bảo hiểm hùng hậu như hiện nay, và mức phí quản lý BHXH cao ngất ngưởng – 3% khoản sinh lời của quỹ; tin chắc rằng không thể đổ thừa cho việc thiếu điều kiện, thiếu lực lượng; mà chỉ có thể nói rằng là do năng lực của nhà quản lý quá yếu kém.

Xin mượn lời của đại biểu Nguyễn Văn Hưng trong cuộc thảo luận tại tổ ngày 29.5 rằng: “Nói là vỡ quỹ, nhưng quỹ vẫn có cả nghìn tỉ cho Công ty cho thuê tài chính vay để rồi mất trắng. Trách nhiệm này của ai. Xử lý vấn đề này ra sao đề nghị phải trả lời rõ. Lấy gì bù vào hay lại lấy tiền của đại biểu Quốc hội và của người lao động bù vào?".

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm cơ hội phát triển của lao động trẻ. Hiện, giới trẻ hiện nay không hiểu sao lại quá khó khăn để xin được 1 “chân nhà nước”. Và tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại Việt Nam đang rất cao. Tăng tuổi hưu, nghĩa là đang lãng phí một nguồn lực lao động trẻ rất dồi dào. Đó là chưa kể đến việc liệu có bao nhiêu phần trăm công chức đã đến tuổi hưu (theo quy định hiện hành) vẫn còn làm được việc?

Thế nên, cùng với sự phản đối của hầu hết các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 16.6 vừa qua và nhiều ý kiến không đồng tình đến từ dư luận và người lao động, có thể nói Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội bắt đầu suy nghĩ lại, xem đây là "thượng sách" hay “hạ sách”?

Theo Hồ Ngọc Giàu

Một thế giới

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *