Nhìn lại hơn 40 năm khai thác, thăm dò dầu khí của Việt Nam trên biển Đông

FICA - PVN sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam từ hơn 40 năm trước và liên tục thực hiện cho đến nay.

Cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình biển Đông do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 16/6, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trình bày một số nội dung sai trái do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra gần đây.

 

 

Quá trình hơn 40 năm

 

Về hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, ông Thập cho biết, trong hơn 40 năm qua, PVN đã  triển khai bình thường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực Hoàng Sa và các vùng phụ cận.

 

PVN cũng đã, đang và sẽ hợp tác với nhiều công ty dầu khí quốc tế để thăm dò khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

 

Đến nay, Tập đoàn đã ký 100 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, trong đó 61 hợp đồng hiện đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000 km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000 km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan.

 

Tất cả các hoạt động dầu khí đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, cụ thể  như sau:

 

Giai đoạn trước năm 1975:

 

Ngay từ những năm 1969-1970, Việt Nam đã tiến hành khảo sát hơn 12.000 km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát từ, trọng lực hàng không ở thềm lục địa Miền Nam Việt Nam (Công ty Ray Geophysical Mandrel thực hiện).

 

Trong hai năm 1973-1974, Việt Nam đã hợp tác với các công ty Western Geophysical và Geophysical Services Inc. (Mỹ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74-HS (3.373 km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Dự án WA74-PKB (5.328 km) khảo sát ven biển Phú Khánh.

 

Giai đoạn năm 1975-1996:

 

Thời gian 1985 - 1993, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã thực hiện đề án khảo sát địa chấn khu vực Miền Trung sử dụng tàu Malugin (Liên Xô cũ), cùng Công ty NOPEC (Na Uy) thu nổ các tuyến địa chấn, từ và trọng lực từ vĩ tuyến 100 đến 150, bao gồm cả khu vực Hoàng Sa và phụ cận. Năm 1993, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris VI (Pháp) sử dụng tàu Atalant để thực hiện chương trình khảo sát “Ponaga” đo trọng lực, từ và thu nổ địa chấn nông kết hợp lấy mẫu tầng mặt ở vùng biển Hoàng Sa, miền Trung và Đông Nam Việt Nam.

 

Từ năm 1996 đến nay: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng các công ty dầu khí quốc tế hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.  

 

Liên tục, từ năm 2007 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam  thực hiện nhiều dự án thu nổ địa chấn 2D: Khảo sát toàn Thềm lục địa Việt Nam (Công ty TGS-Nopec của Na Uy thực hiện); Đông Phú Khánh (Công ty PGS của Singapore thực hiện); Các khảo sát CSL-07, PV-08, PK-10, PVN12 ở khu vực Hoàng Sa và lân cận. Gần đây nhất, vào tháng 4/2014, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng công ty Murphy Oil (Mỹ) đã hoàn thành toàn bộ khảo sát hơn 5.000 km tuyến địa chấn 2D ở khu vực Nam Hoàng Sa.

 

Song song với công tác khảo sát, thăm dò dầu khí ngoài thực địa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nhiều nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dầu khí toàn thềm và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính – Vũng Mây.

 

Đã có nhiều công trình, báo cáo của các tác giả trong và ngoài nước về đánh giá cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí tại khu vực Hoàng Sa và lân cận. Các công trình nghiên cứu dầu khí về khu vực này đã được nhiều tác giả Việt Nam và nước ngoài trình bày công khai tại rất nhiều hội thảo quốc tế, đã được thừa nhận và đánh giá cao.

 

Ông Thập khẳng định, như vậy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang triển khai bình thường hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực Hoàng Sa và các vùng lân cận.

 

Trong thời gian tới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng các công ty dầu khí quốc tế tiếp tục hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam từ hơn 40 năm trước và liên tục thực hiện cho đến nay.

 

Không phải lần đầu Trung Quốc ngang ngược

 

Trước việc ngày 02/5/2014 Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép  và việc Trung Quốc cho là “57 lô dầu khí tại các vùng biển tranh chấp” trong buổi họp báo quốc tế ngày 16/5/2014 tại Bắc Kinh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã cực lực phản đối tại các buổi họp báo ở Hà Nội vừa qua.

 

PVN khẳng định Trung Quốc đã dựa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, mà cả thế giới đều không công nhận,  để nói rằng  57 lô của Việt Nam ở trong vùng biển tranh chấp, điều này là toàn không có cơ sở và không có giá trị. Trung Quốc đang cố tình, có chủ ý biến những vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp với các đòi hỏi phi lý. Thực tế khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp, vi phạm vùng biển của Việt Nam. Trong các lần vi phạm trước đây của Trung Quốc, Việt Nam đã phản đối qua đường ngoại giao, đấu tranh và tuyên truyền trên thực địa để Trung Quốc thấy rõ lẽ phải, không vi phạm vùng biển Việt Nam. Điển hình, một số vụ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam do Trung Quốc gây ra và đã bị Việt Nam phản đối, ngăn chặn như sau:

 

Lần thứ 1: Năm 2003 giàn khoan Katan III dự định khoan ở khu vực phía đông lô 113 đã bị Việt Nam phản đối quyết liệt.

 

Lần thứ 2: Năm 2006 phía Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn 2D khu vực gần đảo Tri Tôn của Việt Nam bằng tàu Phấn đấu 4, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã tiến hành xua đuổi.

 

Lần thứ 3: Năm 2007 Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn 3D bằng tàu của nhà thầu Western Geco, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam  đã phản đối nhà thầu Western Geco, triệu tập đại diện Western Geco yêu cầu chấm dứt hoạt động này vì vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời cảnh cáo tàu khảo sát không cho tham gia dự thầu cho các dự án ở Việt Nam.

 

Lần thứ 4: Năm 2007-2008, Trung Quốc đã thuê giàn khoan của Công ty Khoan TransOcean tham gia hoạt động khoan của Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã phản đối quyết liệt và Nhà thầu TransOcean đã từ chối khoan cho Trung Quốc.

 

Lần thứ 5: Tháng 6-8/2010, Trung Quốc thuê tàu Western Spirit thăm dò địa chấn 3D khu vực thuộc các lô 141-143 (gần đảo Tri Tôn) của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Việt Nam. Các tàu Trung Quốc cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, có lúc áp sát tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ở khoảng cách gần, phun nước, hú còi, pháo trên tàu hải quân Trung Quốc mở bạt hướng về phía tàu Việt Nam để uy hiếp, đe dọa.

 

Lần thứ 6: Tháng 9/2010, tàu Phấn Đấu 4 của Trung Quốc hoạt động ở khu vực phía Đông đảo Lý Sơn khoảng 80-90 hải lý, tàu chấp pháp của Việt Nam ra ngăn cản, mở loa tuyên truyền, xua đuổi, vây ép buộc tàu Phấn Đấu 4 thu cáp và rời khỏi khu vực. 

 

Lần thứ 7: Tháng 6-7/2011, tàu khảo sát Tanbaohao của Trung Quốc hoạt động ở khu vực phía Tây đảo Tri Tôn khoảng 28 hải lý (lô 141-143), lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã tiến hành ngăn chặn và xua đuổi.

 

Lần thứ 8: Năm 2012 CNOOC đã mời thầu trái phép 9 lô của Việt Nam ở khu vực miền Trung và không được các công ty dầu khí quốc tế tham gia.

 

Lần thứ 9: Ở khu vực Tư Chính, Trung Quốc đã ký Hợp đồng lô WAB-21 trái phép với công ty Crestone Energy, sau chuyển nhượng cho Harvest. Cho đến nay nhà thầu không triển khai hoạt động.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *