“Đại biểu sợ cử tri chứ không phải sợ cấp trên“

Theo đại biểu Trần Du Lịch, đổi mới hoạt động của Quốc hội phải tăng tính chủ động từ các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng việc sửa luật là cần thiết nhưng trên cơ sở bám sát các chức năng nhiệm vụ của Quốc hội. Đầu tiên là nhiệm vụ lập hiến, lập pháp. 
 
Thứ hai, là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, cụ thể là cơ quan có quyền quyết định cao nhất về công tác “kiếm tiền” và “tiêu tiền”: tăng thuế hay không tăng thuế, đặt ra thuế gì, tức là tạo nguồn thu. Thứ ba mới là nhiệm vụ giám sát.

PV: Vậy theo ông, trong các nhiệm vụ ông đã nêu trên, để đổi mới hoạt động của Quốc hội, chúng ta phải đổi mới ở khâu nào?

Đại biểu Trần Du Lịch: Trong các nhiệm vụ đó, muốn đổi mới hoạt động Quốc hội, vấn đề phải làm cho được là chủ động trong công tác lập pháp, tránh tình trạng chương trình xây dựng pháp luật chủ yếu do Chính phủ làm, có gì làm đó.

Tôi đề nghị nâng vai trò của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan tham mưu tổng hợp nhất của Quốc hội để làm 2 việc: Thứ nhất, chủ động trong việc xây dựng pháp luật từng năm và nhiệm kỳ. Thứ hai, chịu trách nhiệm rà soát để xây dựng pháp luật mang tính hệ thống, tránh sự chồng chéo.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò của Ủy ban Ngân sách, không phải Ủy ban Tài chính ngân sách, vấn đề chính sách tài chính chung chung nữa. Vấn đề chính sách vĩ mô để Ủy ban Kinh tế làm, còn Ủy ban Ngân sách chỉ chuyên về ngân sách. Ủy ban này phải tham gia ngay từ đầu quá trình làm dự toán ngân sách, chứ không để tình trạng làm dự toán xong xuôi rồi đưa Ủy ban này thẩm định, coi như ván đã đóng thuyền, không cắt ai được nữa cả.

Quốc hội sẽ định hướng năm tới ngân sách phải tập trung cho ngành gì, cho địa phương nào, Uỷ ban Ngân sách phải tham mưu trước về quan điểm, định hướng dự toán.

Trong cơ cấu Quốc hội, đứng đầu tiên là pháp luật, thứ hai là ngân sách. Khi cân đối Ngân sách dự toán ban đầu anh sẽ thấy là cần kiếm những nguồn thu gì, vay nợ hay không vay nợ, bội chi hay không bội chi, cỡ nào. Anh thấy có nguồn nào bù vào đó mà chúng ta còn sót để không phải vay nợ không.

Chúng ta cũng ưu tiên đầu tư tối đa cho bộ máy giúp việc của Ủy ban Ngân sách, lấy những chuyên viên giỏi nhất về làm việc. Theo tôi, có thể lấy một số cán bộ giỏi ở một số Sở Tài chính địa phương về làm chuyên viên cho Ủy ban này. Làm được như vậy chúng ta mới có thể chủ động về ngân sách.

PV: Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này là tập trung vào vai trò chủ thể của Đại biểu Quốc hội, ông thấy Dự thảo Luật đã đáp ứng được mục tiêu này chưa?

Đại biểu Trần Du Lịch: Tôi cho rằng chưa có gì đổi mới. Thứ nhất thể chế chính trị Việt Nam còn có cơ chế kiêm nhiệm, số đại biểu chuyên trách có thể nâng lên 40% là những người làm chuyên nghiệp, chọn nghề này. Và sự chuyên nghiệp này phải gắn với cử tri, gắn với dân.

Thứ hai là không hành chính hóa. Đại biểu chuyên trách trung ương và địa phương phải có cùng cơ chế, chỉ khác là khi anh được phân công làm nhiệm vụ gì, thì nhận phụ cấp công việc đó. Tránh tình trạng các Ủy ban hiện nay, ngoài chức danh Chủ nhiệm, còn có 3 cấp, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực và đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Quốc hội này chỉ đạo đại biểu Quốc hội kia. Dẫn đến tình trạng một người giữ vị trí Phó Chủ nhiệm, tương đương hàm thứ trưởng, còn 2 năm nữa chưa biết làm gì, hết nhiệm kỳ không vào cuộc hội được gửi làm thứ trưởng một Bộ nào đó 2 năm chờ về hưu. Không có nước nào làm vô lý như vậy. 

Chúng ta bỏ hành chính hóa đi, giống nhau hoàn toàn về chế độ. Ví dụ mỗi năm lương bao nhiêu, một đại biểu chuyên trách được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm được phụ cấp chứ không phải chức vụ. Chứ như bây giờ đại biểu thường phụ cấp khác, đại biểu thường trực là bằng Tổng cục trưởng, lên Phó Chủ nhiệm là bằng thứ trưởng. Thành ra trong một ủy ban mà 3 ông đại biểu là 3 bậc khác nhau, chỉ huy nhau.

PV: Vấn đề tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết, nhưng có những đại biểu vào không có việc gì làm?

Đại biểu Trần Du Lịch: Đúng như vậy. Nếu cứ giữ cơ chế hiện nay mà tăng đại biểu chuyên trách lãng phí tiền của dân. Toàn bộ xe cộ, tiền dành cho các vị chuyên trách đang ngồi tại các Uỷ ban đó chúng ta có thể thuê chuyên viên về làm việc còn rẻ hơn và được việc hơn. Nhiệm kỳ trước khi tham gia vấn đề xây dựng đề án đổi mới Quốc hội tôi đã phát biểu rồi.

PV: Ông cho biết quan điểm của mình về quy định đoàn Đại biểu Quốc hội?

Đại biểu Trần Du Lịch: Quan điểm của tôi là các đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng giúp việc xem như một chi nhánh của văn phòng đại biểu Quốc ở địa phương. Thứ hai, đoàn không phải là một định chế trong hệ thống. Đoàn là tập hợp các đại biểu hoạt động trên một địa bàn để có sự phối hợp với nhau. Do vậy cũng không hành chính hóa trưởng, phó đoàn. Vai trò là của đại biểu chứ không phải của đoàn đại biểu. Phải nâng cao vai trò cử tri. Đại biểu có trách nhiệm với cử tri là chính. Đại biểu Quốc hội sợ cử tri chứ không phải sợ cấp trên.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh Hà

VOV online

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *