Thời sự 22/04/2014 14:52

Sáp nhập Habubank: SHB vẫn nặng gánh nợ xấu

FICA - VCBS cho rằng chất lượng tài sản của SHB có thể không lạc quan như con số ước tính và mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% cuối năm 2014 là thách thức. Trong đó, rủi ro tiềm ẩn từ 5.000 tỷ đồng nợ tái cơ cấu trong năm 2013 có thể làm xấu chất lượng tài sản và tăng áp lực trích lập dự phòng đối với SHB.

Tại bản tin phát hành sáng nay (22/4), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã cập nhật tới các nhà đầu tư một số thông tin quan trọng sau ĐHCĐ của NH TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Lãi 2013 tăng gấp 36 lần 2012

Theo đó, LNST năm 2013 của SHB đạt 849,8 tỷ đồng, cao gấp 36 lần so với năm 2012 do không còn chịu lỗ luỹ kế từ HBB và duy trì tốt tăng trưởng thu nhập lãi thuần (tăng 12% so cùng kỳ).

SHB có được mức tăng thu nhập lãi thuần khả quan nhờ tăng trưởng tín dụng đột biến (tăng 34,3% so cùng kỳ) trong khi NIM chỉ giảm 0,1%, mức giảm thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết.

Tuy nhiên, LNST 2013 vẫn giảm 50% nếu so với lợi nhuận thuần 2012 trước khi gộp lỗ lũy kế của HBB chủ yếu do thu nhập ngoài lãi giảm mạnh. Các hạng mục lãi dịch vụ giảm 12% so cùng kỳ, lãi từ CK kinh doanh giảm tới 99% so cùng kỳ haythu nhập từ hoạt động khác giảm 89% cùng kỳ, tương đương 612 tỷ đồng, kém khả quan khiến tổng thu nhập hoạt động giảm 19% yoy.

Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 11% cùng kỳ đưa tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động lên mức 79% so với mức 57% của năm 2012.

SHB đã cơ cấu hơn 5.000 tỷ đồng nợ năm 2013

Tỷ lệ nợ xấu tại SHB năm 2013 đã giảm còn 4,06% so với mức 8,8% của năm 2012. Con số này đạt được, theo VCBS, là nhờ đóng góp của ba yếu tố chính: việc bán nợ cho VAMC, xử lý nợ Vinashin và do cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780.

Trong năm 2013, SHB đã bán 1.797 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC thu về 1.665 tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt. Đối với dư nợ 3.998 tỷ đồng của Vinashin, SHB đã hoán đổi 1.845 tỷ đồng thu về 553,7 tỷ đồng trái phiếu DATC và ghi nhận 1.228 tỷ đồng vào mục nợ chờ xử lý theo quy định của NHNN, đồng thời phân bổ số dư nợ Vinashin còn lại trị giá 2.153 tỷ đồng vào các nhóm nợ 2-5.

VCBS cho hay, số liệu nợ xấu điều chỉnh của SHB nếu cộng thêm phần dư nợ Vinashin chờ xử lý sẽ là 5,67%.

Nhóm phân tích đồng thời cũng lưu ý, trong năm 2013, SHB đã tái cơ cấu nợ hơn 5.000 tỷ đồng theo quyết định 780, tương đương 6,5% tổng dư nợ, cao hơn nhiều so với một số ngân hàng như Vietcombank hay Eximbank.

Trên cơ sở thực tế ngành trong năm 2013 cho thấy 60% số nợ nếu không được tái cơ cấu sẽ thành nợ xấu, VCBS quan ngại rủi ro tiềm ẩn từ số nợ tái cơ cấu của SHB và cho rằng chất lượng tài sản có thể không tốt lên nhiều như mức giảm của nợ xấu.

SHB cũng cho biết thêm nợ xấu của NH tăng thêm 1-2% khi thực hiện đánh giá lại tài sản theo đúng các quy định của thông tư 09 được áp dụng tới đây.

Kế hoạch 2014

Tại ĐHCĐ vừa rồi, SHB cũng thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2013 ở mức 7,5% vốn điều lệ, bằng tiền mặt. Dự kiến trong năm 2014, SHB sẽ đạt LNST 1.053 tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng 22,8%.

ĐHCĐ của SHB cũng thông qua một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 với mục tiêu LNTT ở mức 1.270 tỷ đồng(tăng 27% so với năm 2013) trên cơ sở tăng trưởng tín dụng 22,8% và huy động tăng 24,8%.

Trong kế hoạch LNST, SHB đồng thời tính đến khoảng 101 tỷ đồng thuế TNDN dự kiến hoàn lại do lỗ lũy kế của HBB năm 2012 chuyển sang chưa sử dụng chờ quyết toán. Do đó, LNST mục tiêu 2014 được đặt ở mức 1.053 tỷ đồng.

Đối với hoạt động tín dụng, SHB dự kiến sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực nông sản, lương thực thực phẩm, tiêu dùng, năng lượng, dầu khí, trong đó dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ tăng lên mức 40% tổng dư nợ. SHB đồng thời định hướng phát triển mạnh dịch vụ thanh toán quốc tế, tăng doanh số lên 2,5 tỷ USD (tăng 65%).

SHB cũng được ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn từ 8.865,8 tỷ đồng lên 11.082 tỷ đồng trong năm tài chính 2014 bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1 với giá phát hành bằng mệnh giá.

Ngân hàng cũng được cổ đông chấp nhận tham gia cấu trúc đối với Công ty Tài chính với mục đích phát triển mảng dịch vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng.

Khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận

VCBS cho rằng các chỉ tiêu kế hoạch là khá thách thức nhưng NH có khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.

Cụ thể, NH có khả năng đạt được con số tăng trưởng tín dụng 22,8%. Cơ cấu khách hàng tập trung vào các tập đoàn nhà nước lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng có tiềm lực tài chính mạnh và nhu cầu tín dụng lớn giúp SHB có nhiều dư địa để phát triển cho vay.

Ngay trong QI/2014, hoạt động tín dụng của SHB đã đạt mức tăng trưởng 7%, vượt trội so với mức tăng 0,01% của toàn ngành. Nhóm phân tích cũng lưu ý, QI thường là thấp điểm của hoạt động tín dụng và hoạt động cho vay thường khởi sắc trong nửa cuối năm, do đó SHB có cơ sở để có được con số tăng trưởng cao hơn nữa vào các quý sau.

Thêm vào đó, SHB được chỉ định làm NH phục vụ cho 3 dự án ODA lớn trong năm 2014 sẽ giúp giảm chi phí vốn đầu vào. Đại diện SHB cho biết ngân hàng đã được chọn làm ngân hàng phục vụ cho 3 dự án ODA lớn, theo đó các tổng công ty, tập đoàn NN là bên tham gia dự án sẽ duy trì các khoản tiền gửi không kì hạn tại SHB. VCBS kỳ vọng NIM sẽ không biến động quá nhiều và duy trì quanh mức 2%.

Trong quý I/2014, LNTT của SHB đạt 271,5 tỷ đồng tương đương 22% kế hoạch với huy động từ thị trường 1 tăng 3%, cho vay khách hàng tăng 7% so với đầu năm. Trong quý I, SHB đã trích lập dự phòng đối với các khoản trái phiếu DATC và VAMC.  

Rủi ro tiềm ẩn từ 5.000 tỷ đồng nợ tái cơ cấu

Về chất lượng tài sản, VCBS cho rằng chất lượng tài sản của SHB có thể không lạc quan như con số ước tính và mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% cuối năm 2014 là thách thức. Trong đó, rủi ro tiềm ẩn từ 5.000 tỷ đồng nợ tái cơ cấu trong năm 2013có thể làm xấu chất lượng tài sản và tăng áp lực trích lập dự phòng đối với SHB.

Trong năm 2014, SHB dự định trích 1.578 tỷ đồng dự phòng, bao gồm 1.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng và 578 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu VAMC và DATC. Như vậy, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng (DPRR) dự kiến giảm 16% so với năm 2013, và VCBS cho rằng điều này chưa phản ánh được các rủi ro nợ xấu tiềm ẩn đã phân tích ở trên.

Ngoài ra, SHB tiếp tục cho thấy ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục duy trì tỷ lệ DPRR/nợ xấu thấp.

Với các chỉ tiêu 2014 dự kiến như ở trên, nợ xấu cuối năm 2014 được tính toán ở mức 3.063 tỷ đồng (3% tổng dư nợ), tương đương với tỷ lệ DPRR/nợ xấu khoảng 33%, thấp hơn mức 38% của năm 2013.

Khó khởi sắc từ mảng bán lẻ

Về kế hoạch phát triển mảng bán lẻ, VCBS nhận xét, chưa thấy SHB có một chiến lược rõ ràng để phát triển bán lẻ, ngân hàng vẫn tập trung nguồn lực chính để phục vụ khách hàng tổ chức dù ban lãnh đạo cho biết một kế hoạch hành động sẽ được triển khai từ cuối tháng 6/2014.

Theo như tờ trình về tăng vốn điều lệ, SHB dự định duy trì tỷ trọng cho vay khách hàng SMEs ở mức 70% tổng dư nợ trong giai đoạn 2014-2015. Chưa kể đến phần cho vay với các tập đoàn NN lớn khác, có thể thấy dư nợ cho vay khách hàng cá nhân là không lớn và tỷ trọng sẽ chỉ tương đương hoặc thấp hơn mức hiện tại.

Ngoài ra, các phân khúc cho vay bán lẻ mà SHB định chú trọng như cho vay mua nhà, cho vay tiêu dùng hiện tại đang bị cạnh tranh gay gắt và SHB chưa cho thấy các lợi thế khác biệt để có thể chiếm thị phần.

Với những yếu tố như vậy, VCBS cho rằng mảng bán lẻ của SHB sẽ chưa có nhiều khởi sắc, theo đó NIM cũng sẽ không có động lực mới để cải thiện. Với các đánh giá như trên, VCBS cho rằng SHB có cơ sở hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2014 nhờ khả năng tăng trưởng tín dụng cao và lợi thế về chi phí vốn.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng khá thách thức nếu xét tới rủi ro về chất lượng tài sản có thể làm tăng áp lực chi phí dự phòng và mảng bán lẻ chưa có nhiều triển vọng khiến NIM vẫn ở mức thấp. Trong trường hợp hoàn thành kế hoạch, EPS forward của Ngân hàng đạt 1.096 đồng/cổ phiếu (tính trên số cổ phiếu lưu hành bình quân sau khi tăng vốn điều lệ), tương đương P/E forward ở mức 9,2 (mức giá ngày 18/4 là 10.100 đồng/cổ phiếu).

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *