Đầu tư 22/04/2014 07:58

34 ngàn tỉ đồng: Chắc thì hãy nói!

Nghị trường ngày 14.4. Người đầu tiên đặt câu hỏi, có lẽ tình cờ, là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai. Câu hỏi đầu tiên, hoàn toàn không tình cờ, là về vấn đề nguồn lực cho việc thay SGK bậc phổ thông: “Nguồn lực ra sao? Nhà nước bao nhiêu? Xã hội bao nhiêu?”.

Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận (trái) và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển sau đó giải trình với một con số chính xác “34.725 tỉ đồng”. Ông Hiển còn cẩn thận thòng thêm rằng “Chưa kể đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu”.

Sau khi con số to đùng này được công bố trước nghị trường, thậm chí, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của QH Phan Xuân Dũng đã “quy đổi” giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo số tiền này, tương đương 1,7 tỉ USD, và là số tiền “ngoài những gì đang chi hiện nay là 20% ngân sách cho giáo dục”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì bình luận đại ý: Gần 2 tỉ USD không phải là chuyện nhỏ.

Hôm ấy, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tư lệnh ngành giáo dục, kiến trúc sư của “trận đánh lớn” không có mặt trong buổi giải trình vì bận “đi công tác nước ngoài”, và phải nhắc lại đến từng số lẻ của món tiền cũng như ý kiến của các vị ĐBQH để khẳng định Đề án đổi mới SGK được trình trước nghị trường không phải là chuyện nói chơi, hay “bảo vệ thử”, theo cách mà sau đó Bộ GD ĐT đã thanh minh. Nói nhẹ nhàng thì đây là một sự cố đáng tiếc.

Không biết các vị ĐBQH cảm thấy bị "hớ" ra sao, không biết nhân dân cảm thấy ngỡ ngàng thế nào khi trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời chỉ ngay sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bảo rằng “Nếu cần phải có đến 34.000 tỉ đồng chỉ để biên soạn chương trình SGK mới thì tôi cũng không đồng tình, cũng thấy là lãng phí, phi lý. Tuy nhiên, cần phải nói rõ con số 34.000 tỉ đồng không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ gửi lên Ủy ban TVQH”.

Còn con số hơn 34.000 tỉ đồng, Bộ trưởng giải thích “là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Trong số 34.000 tỉ đồng này, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn SGK, mà còn bao gồm cả đào tạo đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn chương trình SGK, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỉ đồng”.

Thôi xin không bàn đến việc 34.000 tỉ hay 100 tỉ đồng cho SGK nói riêng và “trận đánh lớn” nói chung là nhiều hay ít, là thiết thực hay không với một đề án đến lúc trình ra nghị trường mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc vẫn bâng khuâng tự hỏi “Cái mới là cái gì. Đột phá là cái gì?”, với một cảm giác không chỉ của riêng ông Phước là “chỉ thấy hoang mang”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là lòng tin và trách nhiệm từ sự cố đáng tiếc trên. Dư luận tất nhiên có quyền đặt câu hỏi: Có thể tin vào một đề án trình trước nghị trường mà ngay người trình còn chưa thật rõ là cần bao nhiêu tiền, ở đâu ra? Vì thế, trước một “trận đánh lớn”, ngành giáo dục cần một sự chuẩn bị và tập dượt thật sự nghiêm túc.

Theo Đào Tuấn
Lao động

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *