Góc nhìn 29/04/2018 10:42

Khi đặc khu không có "trưởng"

Đặc khu kinh tế không chỉ là những ưu đãi về kinh tế mà còn là sự đặc biệt về thể chế hành chính. Nếu không có được cả hai yếu tố này, đặc khu sẽ khó có thể đảm bảo được sự hấp dẫn của mình.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đặc khu kinh tế của Việt Nam nếu được thực hiện cách đây 20 – 30 năm thì rất có ý nghĩa. Khi đó thể chế kinh tế thị trường theo hướng tự do hoá thương mại chưa phát triển mạnh, rất cần sự tháo cởi về thể chế tại các đặc khu để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong khi đó, ở giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đang tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại có tính tự do hoá rất cao về thương mại, đầu tư kinh doanh. Do đó, ý nghĩa của việc thành lập các đặc khu kinh tế bị mất đi rất nhiều so với trước đây.

Xét về tính hấp dẫn của đặc khu kinh tế của Việt Nam, về mặt kinh tế, các quy định đưa ra đạt mức gần như cao nhất về mặt ưu đãi thương mại, thuế suất, xuất nhập khẩu, thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, về mặt thể chế, dự thảo luật đặc khu mới đây lại quy định chính quyền đặc khu có cả HĐND, UBND, rồi cũng bầu cử, hợp nhất chức danh bí thư đảng uỷ và chủ tịch UBND đặc khu. "Như vậy, rõ ràng không có gì khác so với mô hình hành chính hiện nay".

Mặt khác, đặc khu hành chính của Việt Nam nhưng lại đặt trong đơn vị là huyện, huyện không thể quản lý được. Phải coi như đặc khu thuộc cấp tỉnh và dưới sự quản lý của Trung ương như dự thảo luật trước đó.

Ở các nước khác, trưởng đặc khu có quyền hạn rất lớn, chính quyền nước sở tại chỉ quản lý vấn đề quốc phòng, an ninh chính trị trong đặc khu còn an ninh kinh tế, an ninh xã hội họ thuê các nước khác quản lý để đảm bảo tính tự quản.

Do đó, với thể chế của đặc khu như ở Việt Nam, sẽ rất khó tạo sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư và phát triển. Trong khi đó, mục đích xây dựng đặc khu quan trọng nhất vẫn là thử nghiệm về mặt thể chế. 

Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thể chế đó có gì chưa được, chưa tốt thì phải thử nghiệm tại các đặc khu để sau đó nhân rộng ra các địa phương trên cả nước, lan toả các mô hình tốt để phát triển.

Với dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế mới nhất đã cho thấy rõ ràng là Quốc hội vẫn muốn bảo vệ hệ thống HĐND của mình.

Trước đây, có thời gian Việt Nam đã thí điểm bỏ HĐND cấp huyện, nhiều ý kiến cho rằng điều này là rất tốt, góp phần giảm bớt bộ máy hành chính cồng kềnh ở các địa phương và giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách. Tuy nhiên, một thời gian sau HĐND lại trở lại như cũ. 

Ở các đặc khu hiện nay cũng vậy, lý do được Quốc hội đưa ra HĐND là để giám sát hoạt động của đặc khu, song có nhiều cách để làm việc này. Trong khi đó, yêu cầu quan trọng của đặc khu kinh tế là nơi để thử nghiệm thể chế, tạo dựng một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả. Có như vậy, đặc khu kinh tế mới đảm bảo tính đột phá và thu hút các nhà đầu tư.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *