Góc nhìn 21/04/2018 10:53

"Doanh nghiệp chưa muốn minh bạch, ngân hàng khó cho vay"

Hiện nay, nguồn vốn cho doanh nghiệp có từ sáu nguồn, nhưng DN đang quên một nguồn vốn quan trọng là cho thuê tài chính.

 

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế

Hiện nay, nguồn vốn cho doanh nghiệp có từ sáu nguồn: từ ngân sách nhà nước (bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi lãi suất, quỹ hỗ trợ...); nguồn vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); từ đối tác; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khấu, thuê tài chính và cuối cùng là vốn tự có, vốn góp CPH, bán cổ phần.

Doanh nghiệp hiện đang quên một nguồn vốn quan trọng là cho thuê tài chính. Mấy năm vừa qua nhà nước đã có những quyết tâm thúc đẩy loại hình này nhưng hiện nay quy mô vẫn còn nhỏ bé. 

Số lượng 12 công ty cho thuê tài chính, với số dư 10.000 tỷ đồng quá bẻ nhỏ so với con số 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó dịch vụ cho thuê tài chính không đòi hỏi tài sản thế chấp.

Về nguồn lực, một số kênh huy động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt huy động từ thị trường vốn. Vốn hóa thị trường chứng khoán theo UBCK đến hết năm 2017, Việt Nam đạt khoảng 70% GDP.

Vốn huy động qua TTCK đạt 245.000 tỷ đồng (vốn nội) bằng một ngân hàng cỡ trung bình huy động vốn. Trong đó, đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã đạt 194.300 tỷ đồng. Rõ ràng là quá ít và còn thấp!

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác đang ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp như thiếu thông tin, tổ chức cung cấp thông tin về doanh nghiệp và quy định minh bạch của thông tin đối với doanh nghiệp, việc bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh. Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.

Số liệu chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức đã giảm từ 66% năm 2016 xuống còn 59%, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu cho khoản chi phí không chính thức lại tăng lên 9,8% so với mức 9,1% năm 2016.

Đặc biệt, 58% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiếu khi giải quyết thủ tục là phổ biến, con số này không thay đổi từ 2016.

Tuy nhiên, vấn đề thiếu minh bạch cũng gây khó khăn cho chính DN. Hiện doanh nghiệp chưa minh bạch, chưa muốn niêm yết, chưa muốn kiểm toán nên rất khó cho các ngân hàng khi tiếp cận thông tin để đánh giá tín nhiệm cho vay.

Để giải quyết tình trạng này, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Về phía các tổ chức tín dụng, cần thiết kế các sản phẩm đặc thù, phù hợp đối với từng đối tượng khách hàng; rà soát, đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng đã thiết kế. Có biện pháp linh hoạt về tài sản đảm bảo (nhận tài sản ngoài bất động sản…), tăng cường cung cấp các dịch vụ (tư vấn, đào tạo, thông tin, hội thảo…) cho khách hàng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tài chính số, nhất là quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu khách hàng vay vốn. Tổ chức tín dụng cần hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức của khách hàng về tài chính - tín dụng.

Còn phía doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động, báo cáo tài chính; chủ động cải cách hành chính, tăng mức thiện chí hợp tác, phối hợp với TCTD trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *