Góc nhìn 18/04/2018 11:49

Gọi tên chi phí không chính thức để xóa sổ

Lần đầu tiên, các giải pháp kiểm soát chi phí không chính thức được đề cập.

Ông Đặng Quang Vinh, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và

Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất, trình Chính phủ trong tháng 4/2018.

Nghị quyết này đã dành một khoản mục riêng cho yêu cầu cắt giảm chi phí không chính thức. Gánh nặng chi phí không chính thức mà giới kinh doanh đang phải chịu đã được nhìn thận một cách chính thức và nghiêm túc.

Đó là loại chi phí phát sinh khi doanh nghiệp giao dịch với cơ quan nhà nước khi thực hiện quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh, như thực hiện thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận tín dụng,  phòng cháy chữa cháy, môi trường, vận tải, lưu thông hàng hóa, thanh kiểm tra… 

Chúng tôi đã rà soát thực tế, thấy rằng, chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi pháp luật, chính sách và thủ tục hành chính. Nhưng chi phí này rất khó xác định, khó tiên liệu và không thể định lượng.

Loại chi phí này có thể tính bằng tiền, nhưng có thể dưới dạng tiêu tốn thời gian (do gây khó khăn), làm tăng chi phí cơ hội, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp mà lẽ ra không đáng có, có thể dẫn đến mất cơ hội kinh doanh. Chi phí không chính thức cũng có thể khiến doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư, mở rộng quy mô...

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, chi phí không chính thức xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong thực thi quy định của pháp luật. Nên, để giải quyết, cần cơ chế công khai, minh bạch trong các quy định pháp luật, trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng và trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp của các hiệp hội doanh nghiệp.

Chẳng hạn, doanh nghiệp hay phàn nàn về những phiền nhiễu, thậm chí có tình trạng “cưa đôi tiền phạt” trong các cuộc thanh tra doanh nghiệp. Việc này sẽ chấm dứt nếu có cơ chế công khai kết quả thanh tra, cơ quan thanh tra phải giải trình và chịu trách nhiệm với kết quả đó. Hiệp hội doanh nghiệp được tham gia với vai trò giám sát…

Chỉ cách này mới giải quyết dứt điểm lỗi của doanh nghiệp nếu có, tránh tác hại lớn tới xã hội do doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định. Hơn thế, cách này cũng chấm dứt tâm lý ăn xổi của doanh nghiệp, chọn trả chi phí không chính thức thay vì tuân thủ quy định nghiêm túc.

Như vậy, vấn đề được đặt ra không phải là xử lý, mà là cơ chế để không có đất cho các loại chi phí này phát sinh. Các chế tài sẽ phải được quy định tới từng cá nhân liên quan. Đây là yêu cầu mà Dự thảo Nghị quyết sẽ đề cập.

Khi Nghị định chính thức được ban hành, khó có thể loại bỏ hoàn toàn, nhưng có nhiều giải pháp đem lại hiệu quả. Giải pháp bao trùm vẫn là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, vì mục đích cuối cùng là xóa bỏ bất hợp lý về thể chế, từ quy định pháp luật đến bộ máy thực thi.

Chỉ khi chi phí tuân thủ được xây dựng trên các quy định hợp lý, dễ tuân thủ; hoạt động quản lý nhà nước được công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi thực sự nghiêm túc; kỷ cương thực thi được đảm bảo… thì mới không còn đất dung dưỡng các loại chi phí không chính thức.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *