Góc nhìn 17/04/2018 10:03

Thuế tài sản

Trên cõi đời này không có gì là chắc chắn cả, trừ thuế và cái chết. Nếu được chọn giữa không nộp thuế và nộp thuế thì tôi sẽ như rất nhiều người, phản đối quyết liệt thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính đề xuất.

Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công,

Đại học Fulbright Việt Nam

Tuy nhiên, đặt trong giới hạn kiểu gì cũng phải nộp thuế, là người đã nghiên cứu và giảng dạy về tài chính công từ gần hai thập niên qua, tôi ủng hộ sắc thuế này vì nó đảm bảo ba điều kiện của một sắc thuế tốt.

Thứ nhất, hiệu quả về mặt kinh tế vì nó ít bóp méo việc phân bổ nguồn lực và góp phần chống đầu cơ tài sản. Về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, hạn chế đầu cơ đất đai, nhà ở.

Đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thực tế việc đầu cơ hiện nay rất nhiều, nhà đất để không quá lãng phí. Đất đai, nhà cửa phải đưa vào khai thác mới tạo ra được giá trị.

Thứ hai, công bằng vì người giàu hơn nộp thuế nhiều hơn. Nếu không triển khai thuế tài sản mà thay vào đó tận thu bằng nhiều cách khác thì rất bất lợi cho người nghèo và có lợi cho người giàu. Rõ ràng thuế này sẽ đánh vào những người giàu nhiều hơn (vì họ có tài sản nhiều hơn).

Thay vào đó, nếu nhà nước tăng thuế GTGT thì chính là đánh thẳng vào túi tiền của người nghèo rất nhiều, rất không công bằng và bất hợp lý.

Thứ ba, khả thi vì tài sản khó mà chạy được và việc tính với tất cả các căn nhà là hợp lý vì nếu chỉ tính từ căn nhà thứ hai thì về cơ bản là hòa cả làng. Về cơ bản, việc đánh thuế đối với nhà thứ hai trở đi sẽ khó khả thi, do người ta sẽ tìm mọi cách lách bằng việc cho người này, người kia đứng tên.

Thứ hai cũng không đảm bảo công bằng bởi nhiều khi trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà rất nhỏ, rất chật hẹp lại bị đánh thuế.

Thêm vào đó, sắc thuế này là cơ sở để có một hệ thống dữ liệu về tài sản quốc gia, góp phần chống tham nhũng. Hàng ngày chúng ta vẫn thường xuyên kêu ca về sự bất công, tham nhũng, lãng phí… và sắc thuế này góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản này.

Chuyên mục: Góc nhìn
Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *