Góc nhìn 24/04/2018 09:26

Bắt đầu từ gạo và sầu riêng, tưởng đơn giản mà…đau đầu lắm!

Một biên bản ghi nhớ vừa được ký giữa Alibaba với chính phủ Thái và văn phòng hành lang kinh tế phía Đông Thái (EEC). Biên bản bao gồm bốn lĩnh vực hợp tác, trong đó Alibaba đầu tư 350 triệu USD vào một Trung tâm kỹ thuật số thông minh.

Vũ Kim Hạnh,

Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bốn lĩnh vực hợp tác là: Chuyển đổi thương mại kỹ thuật số, trong đó có thay đổi các thủ tục kinh doanh và thương mại Thái Lan, mở rộng xuất khẩu nông - đặc sản Thái ra thị trường toàn cầu.

Thứ 2 là, thúc đẩy hệ thống hậu cần của Thái Lan và các thủ tục quy định của Hải quan Thái theo cách quản lý thương mại điện tử quốc tế.

Tiếp theo là, đầu tư cho nhân lực, trang bị, đào tạo cho doanh nhân và nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp của Thái Lan về công nghệ mới và kiến thức kỹ thuật số. Và cuối cùng là hợp tác phát triển du lịch thông minh trên nền tảng kỹ thuật số.
 

Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện tầm nhìn Thái Lan 4.0 và cuộc hợp tác này là bước mở đầu nhằm thúc đẩy thương mại kỹ thuật số của Thái với khu vực và toàn cầu.

Vậy thì gạo và sầu riêng ở đâu ra trong trùng điệp những khái niệm mới mẻ này? Thì đây, nội dung đầu tiên của thỏa thuận là: Mở rộng xuất khẩu nông sản và các sản phẩm khác của Thái Lan sang thị trường toàn cầu thông qua nền tảng của Alibaba. Bắt đầu với gạo Thái và sầu riêng, kế đó là các sản phẩm OTOP (chương trình “mỗi làng một sản phẩm” của Thái Lan) nhằm hỗ trợ xuất khẩu các các sản phẩm độc đáo của các địa phương ra thế giới.

Về lĩnh vực thứ 2, phát triển logistic, đọc qua cũng thấy họ...nhắc Việt Nam! Theo một thỏa thuận phụ đã được ký kết giữa Cục Hải quan Thái Lan và công ty “Mạng lưới hậu cần thông minh Cainiao” từ Hồng Kông (chi nhánh về hậu cần của tập đoàn Alibaba) thì Alibaba sẽ đầu tư 351 triệu USD để thành lập một Hub kỹ thuật số thông minh.

Nó giúp thúc đẩy hệ thống hậu cần và Hải quan Thái Lan theo kinh nghiệm của Alibaba trong quản lý thương mại điện tử quốc tế, nhằm thúc đẩy thương mại tại các thị trường CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam). Vẫn ưu ái Việt Nam nhất nhé!


Trong khi chúng ta đang kêu gọi: loại bỏ phí “gầm bàn” trong xuất khẩu và “tập trung phát triển logistic”, thì hai nội dung hành động của biên bản này chính là về nội dung đó, rất cụ thể, thiết thực và chặt chẽ.  
 

Về cuộc hợp tác này, Bộ Công Thương nghĩ gì, có đối sách ra sao, tham mưu cho chính phủ đến đâu, báo chí cũng nên tìm hiểu và thông tin cho nông dân và DN được biết.

Những gì ghi trong biên bản hợp tác nói đây, phải chăng chính là điều mà nông dân và doanh nghiệp Việt Nam đang cần nhất?
 

Chúng ta thường than vãn nạn thương lái Trung quốc quấy phá thị trường hay doanh nhân Trung Quốc qua du lịch nhưng làm kinh doanh, buôn bán lậu hay mở công ty mà làm ăn kiểu lừa.

Nhưng thực sự, chúng ta cần những thỏa thuận chuyên nghiệp như biên bản giữa EEC, chính phủ Thái và tập đoàn Alibaba. Ký được một biên bản với kế hoạch chặt chẽ vậy thì sẽ giảm cho đến hết những trò kinh doanh lừa đảo, bẩn thỉu.

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *