Quốc tế 19/07/2015 10:01

Trung Quốc: nguồn bất ổn kinh tế lớn nhất thời gian tới

Cho đến tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc mất đi 3.200 tỉ đô la, gấp 10 lần khoản nợ của Hy Lạp.

Dù thị trường đã phục hồi với hàng loạt biện pháp can thiệp “chưa có tiền lệ” từ chính phủ, đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự mong manh của một thị trường và nền kinh tế tăng trưởng quá nóng nhưng thiếu bền vững.

 

Chứng khoán tăng nóng và can thiệp của chính phủ

 

Từ năm 2014 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tiếp giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trong khi đó, giá vàng, giá bất động sản giảm khiến dòng tiền trong cư dân đổ dồn sang thị trường chứng khoán, tạo thành một làn sóng đầu tư lan rộng trong khắp cả nước.

 

Trong cơn lốc chứng khoán Trung Quốc, công ty nào lên sàn cũng thắng lớn.

 

Một công ty game trực tuyến được định giá 7 tỉ đô la. Cổ phiếu một công ty sản xuất pháo hoa tăng 300%. Một công ty bất động sản đang khó khăn trở thành công ty có mã cổ phiếu được ưa thích, chỉ bằng cách đổi tên và tuyên bố là công ty Internet.

 

Baofeng Technology, một công ty video trực tuyến có giá cổ phiếu tăng 4.200% trong ba tháng lên sàn đầu năm nay. Giá cổ phiếu của công ty tăng 10%, mức tăng tối đa cho phép theo quy định, gần như mỗi ngày trong hơn 30 ngày. Các nhà đầu tư “điên cuồng” mua vào cổ phiếu các công ty mới niêm yết, đẩy giá các cổ phiếu này lên mức không tưởng. Chỉ trong tháng 6, các công ty môi giới đã mở rộng các khoản vay đòn bẩy lên đến hơn 2.000 tỉ nhân dân tệ.

 

Trong cơn sốt này, các công ty niêm yết lần đầu ở ChiNext của Thẩm Quyến, một sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty trẻ mới khởi nghiệp đã thu về lợi nhuận chóng mặt: trung bình 69 công ty niêm yết tăng 672% cho tới ngày 12-6. Có ba công ty tăng đến 2.000%, bao gồm Baofeng Technology. Các chuyên gia bình luận cơn sốt chứng khoán Trung Quốc thời gian gần đây là “tới giới hạn điên rồ”.

 

Nhà nước cũng can thiệp khá mạnh tay vào hoạt động của thị trường chứng khoán, quyết định công ty nào có thể lên sàn, khi nào tăng giá cổ phiếu và can thiệp gì khi giá xuống. Chính quyền, nói cách khác, xem thị trường như công cụ chính sách, một cơ chế để thực hiện các mục tiêu kinh tế và chính trị. Hệ quả là một thị trường bất ổn, có thể chuyển từ cực này sang cực kia, có thể đang tăng trưởng chuyển thành đổ sụp.

 

Nhiều năm qua, các nhà cải cách đã cố gắng giảm bớt can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế và thị trường tài chính, hy vọng tạo nên môi trường kinh doanh hiệu quả hơn để hỗ trợ kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó khi vay vốn từ các ngân hàng quốc doanh. Ý tưởng là tái cấu trúc thị trường chứng khoán, giảm bớt mức độ sử dụng thị trường chứng khoán để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước.

 

Năm ngoái dường như đã có đột phá, khi chính phủ đặt ưu tiên xem xét dùng thị trường chứng khoán để hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ trong bối cảnh kinh tế phát triển chậm lại. Cuối năm 2013, các nhà làm luật đã chấp thuận hàng trăm công ty lên sàn ở Thượng Hải và Thẩm Quyến, giúp Trung Quốc qua mặt New York trở thành thị trường IPO lớn nhất trong nửa đầu năm nay.

 

Cùng thời gian này, chính phủ bắt đầu hỗ trợ hoạt động của Sàn Giao dịch chứng khoán thử nghiệm (gọi là thị trường thứ ba - Third Board), một thị trường giao dịch trực tiếp với các quy định nới lỏng hơn. Các công ty niêm yết tại đây không cần qua chính phủ phê duyệt, không bắt buộc công bố tài chính.

 

Truyền thông của chính phủ cũng tuyên truyền cho sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán. Cho đến tháng 4, truyền thông vẫn gọi sự phát triển của thị trường chứng khoán là “chỉ mới bắt đầu”.

 

Nay lo ngại thị trường chứng khoán sụp đổ gây hệ quả khôn lường cho nền kinh tế, chính phủ đã đưa ra một loạt biện pháp giải cứu. Trong các tuần qua, chính phủ đã đầu tư hỗ trợ mua vào, điều tra các công ty mới niêm yết, điều tra việc thao túng cổ phiếu, cấm bán khống, cấm cổ đông lớn bán cổ phiếu...

 

“Vậy là để vận hành một thị trường tự do hơn, chính phủ đã phải can thiệp nhiều hơn”, Giáo sư Teng của Đại học Cheung Kong nói.

 

Các quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá lại thị trường Trung Quốc

 

Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố cam kết giảm can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Năm ngoái, chính quyền mở sản giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua một chương trình gọi là Kết nối chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông, được các nhà đầu tư cho là một khởi xướng quan trọng.

 

Dù các quỹ đầu tư và ngân hàng mở rộng danh mục đầu tư và tận dụng sàn giao dịch mới, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc còn rất dè dặt. Chỉ khoảng 1% của thị trường chứng khoán nội địa Trung Quốc trị giá 8.500 tỉ đô la là từ các nhà đầu tư nước ngoài, theo ước tính của Ngân hàng UBS.

 

Nay các quỹ đầu tư đang cân nhắc lại vị trí của mình trên thị trường này, cũng như xem lại vai trò của chính quyền Trung Quốc đối với chứng khoán nước này. Trong đó có O’Connor, một quỹ đầu tư 5,6 tỉ đô la thuộc UBS.

 

“Rõ ràng chính phủ muốn trấn an nhà đầu tư và bình ổn thị trường, nhưng đây là một bước lùi đối với việc tự do hóa thị trường vốn Trung Quốc”, Dawn Fitzpatrick, Trưởng bộ phận đầu tư của O’Connor, trả lời The New York Times qua e-mail, “và động thái này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào đây”.

 

Việc chính quyền cho phép hơn 1.400 cổ phiếu ngừng giao dịch, một trong nhiều động thái chưa từng có tiền lệ trong việc cứu vãn thị trường, dù có thể giúp thị trường hồi phục, nhưng cũng khiến liên tưởng có thể là cái bẫy cho các nhà đầu tư nước ngoài đổ về cổ phiếu hạng A (cổ phiếu các công ty nội địa lớn phát hành, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, vốn mất thanh khoản nghiêm trọng nhiều tháng qua).

 

“Người ta nghĩ rằng cổ phiếu hạng A là rất hấp dẫn, giống như một canh bạc”, Jorge Mariscal, Trưởng bộ phận đầu tư các thị trường mới nổi của UBS Wealth Management, nói. Nhưng ông cũng thêm rằng, “ở sòng bài bạn biết luật chơi, ở đây, mọi thứ luôn thay đổi”.

 

Bắt đầu suy thoái?

 

Đó là dự đoán của Ruchir Sharma, người quản lý hơn 25 tỉ đô la, Trưởng bộ phận các thị trường mới nổi của Morgan Stanley Investment Management. Sharma cho rằng kinh tế Trung Quốc, vốn đang tăng trưởng chậm, sẽ tiếp tục giảm chậm khi nước này phải xoay xở với nợ xấu. Và việc Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm trong các năm tới sẽ kéo tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 2%, tương đương với suy thoái toàn cầu.

 

“Cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo sẽ từ Trung Quốc”, Sharm nói với Bloomberg, “trong vòng vài năm tới, Trung Quốc sẽ là nơi bắt nguồn “sự dễ tổn thương” của kinh tế toàn cầu”. Trung Quốc chiếm 38% tăng trưởng toàn cầu trong năm qua, từ mức 23% của năm 2012, theo Morgan Stanley, là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia.

 

Sharma cho rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nước đang tăng trưởng lệ thuộc vào giao thương với Trung Quốc, gồm Úc, Brazil, Nga, Hàn Quốc, nhất là các công ty Đông Âu, các nước châu Á như Philippines, Việt Nam và Pakistan.

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *