Quốc tế 04/06/2014 10:09

Lần đầu tiên sau 17 năm, G7 nhóm họp mà không có Nga

Chương trình nghị sự chính của Hội nghị lần này là vấn đề an ninh năng lượng, các chính sách đối ngoại, kinh tế, thương mại.

Ngày hôm nay (4/6), các nước công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) thay vì Sochi (Nga) như dự kiến ban đầu. Lần đầu tiên sau 17 năm, Nga không có mặt Hội nghị thượng đỉnh này sau khi bị các nước trong nhóm tẩy chay để trả đũa cho việc Nga sáp nhập Crimea cũng như bị coi là tác nhân gây ra tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine.
 

Các nhà lãnh đạo nhóm G8 tại khu nghỉ dưỡng Lough Erne, ở Bắc Ireland hồi năm 2013 (Ảnh: EPA)

Theo Reuters, Hội nghị các nhà lãnh đạo G7 sẽ diễn ra trong hai ngày (4 và 5/6) với chương trình nghị sự chính là vấn đề an ninh năng lượng, các chính sách đối ngoại, kinh tế, thương mại…

Mặc dù đây sẽ là lần đầu tiên Nga không được tham dự vào các chương trình Hội nghị kể từ khi gia nhập nhóm hồi năm 1997 nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong tuần này khi các nhà lãnh đạo G7 gặp gỡ tại Pháp vào 6/6 để kỷ niệm ngày các nước Đồng minh bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy năm 1944.

G8 quyết định loại Nga để trở thành G7 sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea - một sự kiện mà phương Tây cho đến nay vẫn từ chối công nhận tính hợp pháp.

Cũng kể từ đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của các quan chức Nga, Crimea. Phương Tây cũng dọa rằng họ sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại cứng rắn hơn nếu Nga tiếp tục gây bất ổn ở miền đông Ukraine.

Mặc dù một số binh sĩ Nga vẫn đồn trú gần biên giới phía Đông của Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga tiếp tục chống quân đội chính phủ ở nhiều thành phố, cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine diễn ra tương đối thuận lợi trên khắp lãnh thổ Ukraine vào ngày 25/5. Đối với phương Tây, đây là dấu hiệu cho thấy Nga không đẩy căng thẳng tại nước láng giềng lên mức cao hơn.

Các quan chức chịu trách nhiệm điều phối Hội nghị thượng đỉnh trong tuần này đã không loại trừ khả năng cho phép Nga tái gia nhập nhóm nhưng cho biết, Moscow còn một chặng đường dài phải đi để chứng minh thiện chí và thể hiện mình như là một “quốc gia dân chủ bình thường”.

Một quan chức châu Âu giấu tên nói với Reuters: “Hiện vẫn còn quá sớm nhưng tôi sẽ không loại trừ việc các nguyên thủ quốc gia thảo luận về một tương lai của nhóm là G7 hay G8. Tuy nhiên, Nga có tiến gần đến G7 hay không còn phụ thuộc vào những hành động của họ ở Ukraine, phụ thuộc vào cách xử của họ có phù hợp với luật pháp quốc tế và giá trị của G7 hay không”.

Trong khi đó, một quan chức khác nói rằng: “Chúng tôi vẫn không loại trừ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung. Nếu Nga tiếp tục có các động thái gây leo thang căng thẳng, EU hoặc G7 sẽ buộc phải xem xét thêm các biện pháp chống lại Nga”.

Cho đến nay, Nga vẫn phủ nhận cáo buộc của phương Tây cho rằng, Moscow đứng đằng sau cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Nga cũng khẳng định quyền bảo vệ những người nói tiếng Nga trong khu vực.

Theo Hùng Cường

VOV

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *