Quốc tế 01/12/2013 07:21

Các nước hạn chế ô tô cá nhân như thế nào

Không cấp đăng ký mới, không tạo chỗ đỗ xe riêng, cấm người không có chỗ đỗ xe mua phương tiện mới, thu phí lưu hành… là những biện pháp mà các nước áp dụng để hạn chế xe cá nhân lưu thông.

 

Trước nguy cơ thủ đô Jakarta sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng chưa từng có vào năm 2014, Indonesia đã quy định, từ tháng 6/2013, ô tô tham gia giao thông mang biển số lẻ sẽ lưu thông ngày lẻ, xe mang biển chẵn sẽ chỉ lưu thông trong ngày chẵn. 



Theo đó khoảng hàng triệu USD đã được chi ra để đổi màu biển số xe: Biển số chẵn có màu xanh lá cây, biển số lẻ màu đỏ. Trên các tuyến đường áp dụng quy định mới sẽ có hệ thống camera giám sát để theo dõi và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Với tốc độ tăng trưởng dân số đến chóng mặt, cùng với nạn ô nhiễm không khí, Trung Quốc được cho là nước quyết liệt nhất trong việc cấm xe cá nhân lưu thông để giảm ùn tắc giao thông. 

Theo kế hoạch, đầu năm 2014 Trung Quốc sẽ cấm những người không có chỗ đỗ xe riêng mua phương tiện mới. Theo quy định này, những ai muốn mua xe mới phải trình “giấy chứng nhận có chỗ đỗ xe” trước khi mua. Hiện Bắc Kinh có đến 5 triệu xe ô tô nhưng chỉ có 741.090 chỗ đỗ xe. Theo tính toán, lượng xe sẽ giảm được là một con số rất đáng kể.

Mặc dù, chính sách này sẽ gặp phải rất nhiều sự phản đối của người dân, nhưng giới chức Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết đó là xu thế phát triển của tương lai.

Trước đó, 92 thành phố ở 24 tỉnh của Trung Quốc cũng đã cấm xe máy để cải thiện tình trạng an toàn giao thông. Tại Quảng Châu, người sở hữu xe máy đã bị cấm lưu thông trong nội thành trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Lệnh cấm này được thực thi từ tháng 10/1991. Đến năm 1995, Quảng Châu chấm dứt hẳn việc đăng ký xe mới và cấm xe ngoại tỉnh đi vào thành phố.

Còn tại Singapore, mỗi khu vực chỉ được cấp một số lượng chỗ đỗ xe nhất định. Muốn mua ô tô thì  phải có giấy chứng nhận sở hữu bãi đỗ xe. Chi phí cho mỗi chỗ đỗ cũng không rẻ, bao gồm chi phí ban đầu gần 200.000 USD và chi phí thường niên.

Cũng tại Singapore, trước khi ra đường, chủ xe phải làm một loạt thủ tục để được cấp: Chứng nhận lưu hành, chứng nhận hạn ngạch lưu hành, thuế đường, phí lưu hành, ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ... Trong đó, phức tạp và tốn kém nhất là giấy phép lưu hành phương tiện (có giá trị trong 10 năm) - COE (Certificate of Entitlement). Hiện, mua một COE khoảng 70.000 USD. Chính phủ kiểm soát số lượng giấy phép COE rất chặt chẽ. Các giấy phép này được đấu giá và mức giá mỗi giấy phép sẽ tăng giảm tùy theo cung, cầu.

Chính phủ Anh đã tính đến việc thu phí phương tiện giao thông từ  những năm 1960. Nhưng đến năm 2002, thành phố cổ Durham ở vùng Đông Bắc Anh mới là nơi đầu tiên áp dụng. London thực hiện với khu vực trung tâm từ năm 2003. Lúc đó, mức phí là 5 bảng mỗi lần (khoảng 164.000 đồng), rồi tăng lên 8 bảng (khoảng 262.000 đồng) vào tháng 7/2005. Trốn nộp phí, mức phạt sẽ là 50 bảng (tương đương 1,6 triệu đồng).

Thành phố Stockholm (Thụy Điển) áp dụng hệ thống thu phí kể từ ngày 1/8/2007, sau 7 tháng thử nghiệm. Trung tâm thành phố là khu vực bị thu phí. Mọi lượt ra-vào đều được kiểm soát với hệ thống nhận diện biển số tự động. Mọi xe ra vào khu vực này đều phải trả từ 10 đến 20 SEK (tương đương 30.000 đến 60.000 đồng), tùy thuộc vào khoảng thời gian trong ngày, từ 6h30 đến 18h29.

Theo Lam An
Chinhphu.vn

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *